Ngày 2.9 kể chuyện anh trần Kiên

08:09, 02/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 2.9, cựu chiến binh Võ Như Thông dọn dẹp ngôi nhà truyền thống để bà con đến thăm. Trong câu chuyện của ông với mọi người, luôn nhắc đến tên đồng chí Trần Kiên (1920-2003), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 Tình thương đồng đội

Suốt 22 năm qua, ngôi nhà của cựu chiến binh Võ Như Thông ở tổ dân phố Đồng Trường, thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà Miy- Quảng Nam) đã trở thành ngôi nhà truyền thống kể lại cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. 350 tấm ảnh về Bác được ông treo trang trọng khắp gian nhà. Năm 1966, ông Thông đi cùng đoàn công tác vào khu vực rừng núi giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Quảng Nam để làm công tác chuẩn bị thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ông Trần Kiên lúc đó là Phó Bí thư khu ủy, Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 5. Băng rừng, vượt núi, đoàn công tác phải ăn rau rừng, cơm nắm, thiếu thốn đủ bề. Khi đi ngang qua cánh rừng, thấy một buồng chuối rừng trổ ra 3 nhánh, ông Kiên nhìn lên rồi tiếp tục đi.

 

Cựu chiến binh Võ Như Thông: “Tôi học anh Trần Kiên suốt đời”.
Cựu chiến binh Võ Như Thông: “Tôi học anh Trần Kiên suốt đời”.


Anh Toản đi cùng đoàn rút dao găm chặt buồng chuối non về để làm món rau cải thiện bữa ăn. Phát hiện nhánh chuối rừng bị chặt, ông Trần Kiên nghiêm mặt: “Chuối rừng mới ra được 2 nhánh, nên để trổ hết buồng, nếu đoàn công tác đi sau thì còn có cái để mà ăn”. Tối treo võng ngủ, anh em thì thầm: “Ông Kiên không ích kỷ nghĩ cho riêng mình mà luôn vì anh em, thà đói chứ không chịu hái buồng chuối non trong rừng”.

Và rồi Tết năm 1966, ông Thông đã làm bài thơ tặng anh em trong đoàn công tác: “…Bánh tét còn thừa đem nấu lại/Thịt gà xé nhỏ thiếu rau răm”. Ông Thông cười khà khà: “Đi với ông Kiên làm gì có thừa gà, bánh tét. Quân 70 người, ăn tết chỉ vỏn vẹn vài món trên rừng, tôi làm thơ để anh em trong đoàn tưởng tượng đã được đánh chén no nê”.

Không phạm của dân

Thời điểm đó, một số sĩ quan từ miền Bắc mới học ra trường và được điều động nhận công tác tại Hội đồng cung cấp tiền phương. Có đồng chí từng giữ chức đại đội trưởng, khi tăng cường vào đã đề nghị được giữ cương vị chỉ huy. Ông Kiên gọi lên hỏi: “Đồng chí có thể chỉ huy cấp nào? Đại đội hay tiểu đoàn?”. Xong đâu đó, ông Kiên khoát tay quyết: “Xuống đó nhận quân để làm chỉ huy”. Anh em ngơ ngác hỏi quân ở đâu thì ông Kiên cười và bảo: “Quân ở ấp chiến lược, xuống mà nhận”. Theo ông Kiên, anh muốn trở  thành người chỉ huy thì trước tiên anh phải làm người lính.

Tất cả quan, lính đều tham gia vào công tác vận tải để phục vụ cho chiến trường. Sự nghiêm khắc của đồng chí Trần Kiên đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ dày dạn với đặc điểm của chiến trường Khu 5. Lúc đó đơn vị quy định, mỗi người trung bình phải mang vác 35 kg lương thực/chuyến đi để bù lại số đồng chí đang đau ốm nằm điều trị ở lán. Mặc dù khó khăn gian khổ, ăn uống thiếu thốn, nhưng có đồng chí mang vác 40-50 kg.

Có bữa ăn, thấy bát cơm thêm nửa quả trứng gà, ông Kiên nhất định không chịu, vì theo ông: “Ăn thêm một phần là ăn phạm vào phần của đồng bào. Còn bao nhiêu chiến sĩ đang phải chiến đấu hy sinh gian khổ ngoài rừng”.

Kể những câu chuyện về những năm tháng sống bên cạnh đồng chí Trần Kiên, ông Thông ngậm ngùi: “Sống với anh Kiên, chúng tôi học không hết. Anh luôn hết lòng với đồng chí đồng đội. Hiện nay cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với học tập, làm theo Bác, học tập những con người như anh Trần Kiên thì người cán bộ sẽ suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”.


Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

 


.