Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết

09:08, 05/08/2011
.

Thảo luận tại Hội trường, phần lớn các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng các giải pháp hỗ trợ bổ sung về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân là cần thiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Trước bối cảnh vừa phải chống lạm phát, vừa duy trì sản xuất, Chính phủ đã lựa chọn miễn giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Trước bối cảnh vừa phải chống lạm phát, vừa duy trì sản xuất, Chính phủ đã lựa chọn miễn giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Chinhphu.vn
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 5/8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.

Doanh nghiệp cần nguồn vốn với lãi suất hợp lý

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ trong việc bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011, phần lớn các ý kiến thảo luận cho rằng các giải pháp này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc miễn giảm thuế  không nên quá mở rộng nhiều đối tượng, nên tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số ngành cụ thể.

Trước băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) rằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu liệu có vi phạm quy định về chống phá giá và chống trợ giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết WTO không có quy định bắt buộc thực hiện việc không được hỗ trợ về miễn và giảm thuế, nhất là đối với đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu doanh nghiệp không sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp chỉ mang tính tình thế. Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nhấn mạnh, điều mà các doanh nghiệp đang cần là được tiếp cận với nguồn vốn vay một cách minh bạch và lãi suất hợp lý. Do đó, một số đại biểu cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ chi phí của các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến việc giảm 50% mức thuế khoán đối với cá nhân và hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân từ quý III/2011 đến hết năm 2011, nhiều ý kiến cũng đề nghị cân nhắc bởi tính khả thi bởi khó có thể kiểm soát được việc các hộ có thực hiện giảm giá phòng trọ hay nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động. Một số ý kiến đề nghị nên chăng hỗ trợ trực tiếp cho công nhân, người lao động nghèo, học sinh

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm mục tiêu giảm tổng cầu của nền kinh tế, kéo lạm phát xuống. Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những khó khăn của doanh nghiệp như chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại.

Trước bối cảnh vừa phải giảm tổng cầu để chống lạm phát, vừa duy trì sản xuất, Chính phủ đã lựa chọn giải phảp miễn giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thực hiện ngân sách 2009: Nỗ lực lớn của Chính phủ

Đánh giá về thực hiện chính sách tài khoá năm 2009, đa số các đại biểu đều nhận định, từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế đất nước. Quốc hội, Chính Phủ đã kịp thời ban hành các nhóm giải pháp cấp bách với chính sách tài chính, tiền tệ đặc thù của năm 2009.

Cụ thể, triển khai một số nhóm giải pháp, trong đó có gói kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung vốn đầu tư cho một số lĩnh vực, hỗ trợ lãi suất 4%/ năm cho các tổ chức cá nhân vay để sản xuất kinh doanh.

Nhờ các gói giải pháp này, kinh tế nước ta đã sớm vượt qua thời điểm khó khăn nhất và đạt tăng trưởng như mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Tuy nhiên, một số đại biểu nhìn nhận vấn đề sử dụng ngân sách vẫn còn điều phải bàn. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho nông thôn phát triển về giáo dục, y tế rất đúng. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn dàn trải, cần tổng kết đánh giá rõ ràng tác động và hiệu quả thực sự của chương trình để chấn chỉnh lại.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách của năm 2009 là cơ bản đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội, chứng tỏ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng thẳng thắn cho rằng mức bội chi 6,9% cả năm 2009 vẫn là cao và nếu tiếp tục ở mức cao, kéo dài sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không thể xem thường.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, việc giảm bội chi ngân sách cần đặt ra trong một giai đoạn dài hơn với những biện pháp cụ thể. Việc tiếp tục giảm đầu tư công không chỉ là biện pháp tình thế của năm  2010 – 2011, mà phải là biện pháp trong trung hạn và dài hạn. Đi cùng với đó, điều quan trọng là phải tăng hiệu quả đầu tư công.

Một số đại biểu kiến nghị dành ít nhất trên một nửa số tăng thu hàng năm để xử lý bội chi, như vậy mới có thể quyết liệt trong giảm bội chi hàng năm.
 
Theo VGP

.