Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

01:11, 24/11/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

[links()]

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị sáng 24/11, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã báo cáo tóm tắt về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, với các nội dung quan trọng đó là, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định đường lối xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam là luôn xác định văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta, bên cạnh và ngang hàng với chính trị, kinh tế, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở điểm cầu Trung ương
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở điểm cầu Trung ương. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến năm 2008, Bộ Chính trị khóa X lại bàn và ra Nghị quyết số 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
 
Nhờ đó, công tác văn hóa, văn nghệ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế trong văn hóa do việc thể chế hóa đường lối văn hóa của Đảng còn chậm. Trong thực tế thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiên lệch về kinh tế, chính trị, coi nhẹ văn hóa, chưa hiểu đầy đủ vai trò, tác dụng của văn nghệ.
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng giới thiệu 6 bài học và những giải pháp trọng tâm để khắc phục những hạn chế, phát triển văn hóa, đạo đức xã hội, kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi

Trong sáng 24/11, hội nghị được nghe 4 tham luận của Bộ VH-TT&DL, TP.Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế, An Giang; 2 tham luận của đại biểu tri thức, nhà khoa học và đại biểu văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo tại hội nghị với nội dung “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hoá, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Báo Văn hóa.
Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.
 
Tổng Bí thư mong muốn, sau hội nghị này, công tác văn hoá sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.
 
Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định Việt Nam sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới…
 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ tiếp tục vào chiều nay (24/11) với nhiều nội dung quan trọng khác.
 
Tin, ảnh: THANH PHƯƠNG

 


.