Khi Lý Sơn mở cửa trở lại

09:09, 15/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tôi còn nhớ, hồi tháng 7, khi dịch chưa bùng phát trở lại, tôi đã mời một nhóm bạn bè ở Hà Nội vào Quảng Ngãi chơi và ra thăm đảo Lý Sơn. Chuyến đi ấy để lại ấn tượng quá mạnh mẽ, quá tốt đẹp trong lòng bạn bè tôi. 
Nào ngờ, khi nhóm bạn tôi về Hà Nội thì nửa tháng sau dịch trở lại. Quảng Ngãi có ca nhiễm Covid-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội. Hơn một tháng phải nghỉ đón khách, người dân Lý Sơn bị thiệt hại rất nhiều. Cũng rất nhiều du khách đã phải hủy chuyến, hủy đặt phòng khi chưa kịp tới Lý Sơn.
 
Và nay, khi Lý Sơn được phép mở cửa trở lại, thì mùa du lịch đảo này chỉ còn non một tháng là kết thúc. Khi mùa mưa bão đến, dù không có dịch, đảo Lý Sơn vẫn không thể đón du khách, vì sự an toàn cho khách phải đặt lên hàng đầu. 
Vậy thì, Lý Sơn sẽ làm gì khi phải chờ tới mùa du lịch sang năm?
 
Tôi nghĩ, hòn đảo đã có thương hiệu du lịch này còn rất nhiều việc phải làm, phải chuẩn bị thật tốt để chờ đón mùa du lịch năm 2021. Chăm sóc và trồng thêm cây xanh trên đảo, nhất là vào dịp Tết trồng cây, là việc Lý Sơn cần chuẩn bị để làm. Đảo vẫn còn thiếu nhiều “lính cây xanh” cho đội “hùng binh cây xanh” chiếm lĩnh đất đảo. Khi đã có biển, có bãi tắm, có đá, có cảnh đẹp thiên nhiên, những địa chỉ lịch sử, những chùa chiền miếu mạo, thì cây xanh là sự bổ sung cần thiết nhất cho một hòn đảo “xanh, sạch, đẹp”.
 
Tôi đã có dịp đến thăm đảo Jeju “thiên đường tình yêu” của Hàn Quốc và thấy ở đó phong cảnh hữu tình như một câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, khi bà viết về đèo Ngang của Việt Nam: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Jeju nổi tiếng nhất là đá nham thạch, nhưng nếu không có cỏ cây chen với đá, thì đá làm sao nổi lên để thành một bức tranh kỳ thú được. Còn hoa, thì Jeju có hoa anh đào, nở vào dịp tháng tư hằng năm, hoa anh đào Jeju hoàn toàn sánh ngang với hoa anh đào Nhật Bản.
 
Lý Sơn cũng nên tìm một vài loài hoa bản địa mang đặc trưng cho đảo mình và tổ chức trồng ở những khu vực du lịch nhất định. Như thế, du khách sẽ tới du ngoạn và chụp ảnh lưu niệm, một hoạt động đang rất “hot” ở bất cứ điểm du lịch nào. Khi trên đảo đã có cỏ, cây và đá, thì không thể thiếu hoa.
 
Những nhà nghỉ cho du khách theo dạng homestay cũng cần được củng cố, tạo thêm tiện nghi và thiết kế những chương trình ẩm thực “cây nhà lá vườn” phong phú hơn để vui lòng khách đến. Lý Sơn đang phát triển rất tốt mô hình du lịch này, một mô hình bảo vệ thiên nhiên hoang sơ và khiến du khách thực sự cảm thấy mình “về nhà”, cảm thấy ấm áp, thoải mái trong thời gian tham quan du lịch tại đảo.
 
Lý Sơn cần có những hoạt động truyền thông phát huy tối đa bản chất thật thà, trung hậu của người dân đảo, kịp thời biểu dương khen thưởng những hành động đẹp của người dân khi họ trả lại tiền hay vật dụng khách bỏ quên khi đi du lịch. Chính phẩm chất tốt đẹp của chủ nhà đã và sẽ gây ấn tượng rất sâu đậm với khách du lịch, và khiến họ “một đi còn quay trở lại” thêm nhiều lần nữa.
 
THANH THẢO
 

.