Sẵn sàng ứng phó với bão số 4 dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung

09:08, 28/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các Bộ ngành đề nghị triển khai ứng phó với bão số 4 (bão Podul).
 
Bão số 4 hình thành ngay ở biển Đông, có thời gian và tốc độ di chuyển rất nhanh, đặc biệt càng vào gần bờ thì cường độ cơn bão khả năng tăng, cơn bão số 4 cùng lúc có tác động hình thái phía Bắc nên cần đề phòng các tương tác hình thái làm thay đổi đường đi của bão, và hoàn lưu bão gây mưa sẽ lớn hơn, phạm vi vùng nguy hiểm rộng, hoạt động kinh tế về thủy hải sản rất lớn với một lượng tàu thuyền hoạt động trên ngư trường rộng 61.414 tàu, 20.475 lồng bè. 
 
Toàn cảnh Hội nghị ứng phó với bão số 4 (Podul)
Toàn cảnh Hội nghị ứng phó với bão số 4 (Podul)
Bão xảy ra vào dịp nghỉ lễ dài ngày, lưu lượng người tham gia du lịch tại các tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn nên hết sức lưu ý. Theo dự báo của Trung tâm KTTV quốc gia cơn bão sẽ đổ bộ vào chiều tối ngày thứ 6 (30/8) và khả năng triều cường cao, gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt tại các vùng vừa bị tổn thương lớn với mưa bão nên khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất... 
 
Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão, tập trung một số nhiệm vụ sau:
 
Đối với trên biển:
 
- Tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).
 
- Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú an toàn, phối hợp với các cơ quan liên quan và các nước lân cận để đảm bảo trú tránh cho tàu thuyền. 
 
- Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định (đối với các tàu vận tải lớn thực hiện theo quy định của ngành giao thông vận tải) và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển.
 
- Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.
 
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị:
 
- Chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và chỉ đạo tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
 
- Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
 
- Có phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
 
- Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
 
- Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, công trình dân dụng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
 
- Triển khai phương án bảo vệ đê điều, kiểm tra, rà soát các đoạn đê xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng để ứng phó khi có sự cố xảy ra.
 
Đối với khu vực miền núi, trung du:
 
- Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
 
- Tổ chức kiểm tra các thiết bị có liên quan trong quá trình vận hành hồ đập, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ.
 
- Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.
 
- Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
 
- Đảm bảo an toàn và trữ nước đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
PV
 

.