Cập nhật: Lũ đặc biệt lớn, Quảng Ngãi sơ tán hàng ngàn hộ dân

02:11, 15/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh tăng cường, từ đêm 14.11 khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn, nước lũ các sông lên rất cao, nhiều địa phương trong tỉnh ngập chìm trong nước...

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh đang tiếp tục lên. Mực nước lúc 22 giờ ngày 15/11/2013 trên các sông như sau: Sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 4.04m – dưới mức BĐ3: 0.46m. Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 8.65m – trên mức BĐ3: 2.15m. Sông Vệ tại trạm SôngVệ: 5.89m – trên mức BĐ3: 1.39m. Sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6.46m – trên mức BĐ3: 0.96m.
 
Dự báo, đêm 15/11 đến sáng ngày mai 16.11 lũ trên các sông trong tỉnh có khả năng lên ở mức: Sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 4.50 – ngang mức BĐ3. Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 8.75m – trên mức BĐ3: 2.25m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999: 0.39m (năm 1999: 8.36m). Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 6.00m – trên mức BĐ3: 1.50m, xấp xỉ lũ lịch sử năm 1999 (5.99m). Sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6.50m – trên mức BĐ3: 1.00m.

0 giờ ngày 16.11, tại TP.Quảng Ngãi và một số huyện đồng bằng tiếp tục có mưa lớn. Nước lũ vẫn tiếp tục lên. Người dân Quảng Ngãi đang phải trắng đêm chống lũ...

 

 

23 giờ ngày 15.11, phóng viên Ý Thu thông tin: nhiều đoạn quốc lộ 1 ngang qua địa phận thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức) và thị trấn Thi Phổ đã bị chìm sâu trong nước. Ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch huyện Mộ Đức cho biết: “Toàn huyện Mộ Đức hiện đã ngập trong nước. Trong đó, xã Đức Hoà, Đức Hiệp là 2 địa phương bị ngập nặng nhất. Chính quyền địa phương đã thực hiện công tác di dời cho hơn 1000 hộ dân. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều KDC bị ngập sâu đang kêu cứu. Nhưng chúng tôi đành phải chờ đến sáng mới có thể tiếp tục cứu trợ, cứu hộ”

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khu vực tại xã Đức Hòa, Đức Hiệp… (Mộ Đức) đã bị cô lập hoàn toàn. Thôn Phước Luông, thôn Phước Mỹ, Thôn Phước Xã, thôn Phước Tây ( xã Đức Hòa) và thôn Phước Lộc, Phước Thuận (xã Đức Phú)hàng trăm hộ dân nơi đây đều trở tay không kịp khi chỉ sau  3 giờ (từ 18 giờ ngày 15.11- 21 giờ ngày 15.11) nước từ mức chỉ mấp mé mép đường đã tiến sâu vào nhà và gây ngập đến hơn nửa nhà. Trường THCS Đức Phú hiện đã ngập sâu gần 2 mét.

Trước tình hình nước lũ càng lúc càng dâng cao, người dân tại các KDC bị ngập sâu  đang rất hoang mang, lo sợ.  Ông Trần Sơn Hùng (thị trấn Thi Phổ, huyện Mộ Đức ) cho hay: “Nhà tôi ở ngay quốc lộ nên chưa bao giờ bị ngập lụt. Năm nay là năm đầu tiên. Hiện tại, nước từ quốc lộ tràn vào nhà tôi và các nhà lân cận với mực nước dâng cao hơn 1.5 mét”.

22 giờ ngày 15.11: Nước lũ sông Trà Khúc tiếp tục dâng cao, tràn qua bờ kè phía Nam dọc dài từ cầu Trường Xuân đến cầu Trà Khúc. Hiện lực lượng chức năng đang tìm cách hạn chế nước lũ trà về phía TP.Quảng Ngãi. Phóng viên Minh Toàn và Thanh Phương- Báo QNĐT có mặt tại hiện trường cung cấp một số hình ảnh (Xem chùm ảnh Nước lũ sông Trà vượt qua bờ kè, tràn vào TP.Quảng Ngãi)

20 giờ: Phóng viên Thanh Phương đưa tin: Tại huyện Sơn Tịnh, đến 19 giờ tối 15.11, đã có 21/21 xã, thị trấn bị nước lũ cô lập cục bộ hoặc hoàn toàn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn Sơn Tịnh ngập sâu trong nước đến 1,5 mét.
 
Hiện huyện Sơn Tịnh đã tổ chức di dời gần 500 hộ với hơn 1.200 khẩu có nhà ở nơi bị ngập lụt nghiêm trọng để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Từ sáng 15.11, người dân Sơn Tịnh sống dọc bờ sông Trà Khúc cũng đã chủ động di dời tài sản, gia súc đến nơi cao ráo.

 

Nhiều hộ dân đã chủ động di dời tài sản từ sáng 15.11
Nhiều hộ dân đã chủ động di dời tài sản từ sáng 15.11
 
 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều vùng của huyện Sơn Tịnh bị cô lập, không thể di dời. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Bùi Tỏi- trưởng thôn Ân Phú, xã Tịnh An cho biết: Hiện tất cả hơn 300 nóc nhà trên “ốc đảo” đều ngập sâu với mực nước từ 1-2m, bị mất điện và cô lập hoàn toàn. Nước lũ vẫn còn dấu hiệu lên nhanh.
 
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Sơn Tịnh đã triển khai lực lượng và các phương án đối phó với lũ lụt. Đồng thời chỉ đạo và phân công cho lực lượng chức năng đến các địa phương để vận động, tuyên truyền cho người dân nằm trong vùng nguy hiểm và bị ngập úng có kế hoạch di chuyển đến những nơi an toàn. Lực lượng công an xã chặn, chốt ở những đoạn đường thấp, nước chảy xiết không cho người và phương tiện qua lại.

 

Nước lũ bao vây trên diện rộng, khiến việc di dời rất khó khăn
Nước lũ bao vây trên diện rộng, khiến việc di dời rất khó khăn
 
Ông Đặng Thanh Hậu- Phó phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: Hiện tại giao thông không qua lại được, bị chia cắt, tình hình vận chuyển, di dời dân gặp rất khó khăn. Huyện Sơn Tịnh đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ để sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp xấu xảy ra.
 
Toàn tỉnh đã sơ tán gần 1.700 hộ dân
 
Theo báo cáo nhanh của BCH PCLB&TKCN tỉnh thì tính đến 17 giờ, các địa phương trong tỉnh đã di dời, sơ tán 1.679 hộ/5.874 nhân khẩu trong số kế hoạch 23.250 hộ/93.900 nhân khẩu cần được sơ tán, di dời. Nhiều xã của huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà….bị nước lũ nhấn chìm, cô lập hoàn toàn.
 
Thống kê sơ bộ, lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân 13 huyện, thành phố. Cụ thể, 1 người chết do nước cuốn trôi là em Vương Thị Thu Thảo ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành), 1 người bị thương do sạt lở núi tại thôn Gò Re, xã Ba Xa (Ba Tơ); 8 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và tốc mái; trạm y tế xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị tốc mái hoàn toàn.
 
Về nông nghiệp, có 5ha mía ngập úng và 35ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá. Về giao thông, nhiều tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở nặng, gây ách tắc. Riêng tuyến đường tỉnh lộ 625 hư hỏng, sạt lở nặng; riêng huyện Sơn Tây bị sạt lở đất khoảng 3.000m3.

Hiện nay, tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. BCH PCLB&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục bám sát địa bàn, sẵn sàng phương tiện, tổ chức các lực lượng vũ trang hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân trong việc phòng, chống mưa lũ.
 
Đối với các hồ chứa, cần theo dõi và bám sát diễn biến mực nước để chủ động ứng phó. Nhất là hiện giờ, có đến 96/117 hồ có nước qua tràn, số còn lại đạt 60-80% dung tích (5 hồ chứa bị hỏng, không tích nước được).
 
PV
 

 

Sông Trà Khúc, sông Vệ sẽ tái lập mức lũ lịch sử năm 1999

19g: Theo Trung tâm dự báo KTTV Quảng Ngãi, vào lúc 18 giờ ngày 15.11 lũ các sông ở Quảng Ngãi đang tiếp tục lên, đặc biệt lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ dự báo sẽ lên xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999. Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp... Hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn đang có mưa rất lớn (Xem chi tiết tin: Sông Trà Khúc, sông Vệ được dự báo sẽ tái lập mức lũ lịch sử năm 1999)

Sơn Hà: Lũ lớn lịch sử

Phóng viên Thanh Nhị thông tin: Từ đêm ngày 14.11, trên địa bàn huyện Sơn Hà  đã có mưa to đến rất to. Mực nước các sông suối dâng cao rất nhanh. Đến khoảng 10 giờ ngày 15.11, mực nước sông Re đã dâng cao ngập một số đoạn đường tuyến tỉnh lộ 623 từ Sơn Hạ (Sơn Hà) đi Sơn Tây. Đặc biệt, tuyến đường từ thị trấn Di Lăng đi Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba nước tràn qua hầu hết các cầu, một số đoạn đường ngập sâu khoảng 2 mét nước. Nhiều nhà dân bị cuốn trôi.
 

Lực lượng cứu hộ giúp dân chuyển tài sản ở tổ dân phố Hàng Gòn
Lực lượng cứu hộ giúp dân chuyển tài sản ở tổ dân phố Hàng Gòn. Ảnh: Đ.Toàn

 

  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quảng Ngãi: Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 14 đến 13 giờ ngày 15.11 phổ biến từ 150-250mm. Một số nơi mưa to hơn như: Ba Tơ: 436mm, Minh Long: 311mm, Giá Vực: 322mm, Sơn Giang: 274mm, An Chỉ: 264mm.
Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh đang tiếp tục lên nhanh. Mực nước lúc  13 giờ ngày 15.11 trên các sông Trà Khúc, Sông Vệ, Trà Câu đều trên mức BĐ3. Sông Trà Bồng ở mức BĐ 2.
Dự báo, chiều tối nay 15.11 lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt trên diện rộng vùng hạ lưu các sông.

 
Sáng 15.11, toàn bộ học sinh Sơn Hà đã nghỉ  học. Số học sinh nội trú cũng được cha mẹ đến đón về nhà. Riêng tại xã Sơn Ba – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lũ sông Re dâng cao, toàn bộ giáo viên trường tiểu học đã phải di dời lên núi; 31 học sinh nội trú đã được đưa đến nơi cao ráo đảm bảo an toàn.

Bà Đinh Thị  Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Đến trưa ngày 15.11, các xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Giang, Sơn Nham đã bị cô lập hoàn toàn. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện chưa tiếp cận được nhưng do công tác chủ động ứng phó kịp thời nên khi xảy ra lũ lớn, người dân đã di chuyển lên đồi cao. Hiện tại, Sơn Hà chưa có thiệt hại về người xảy ra.

CTV Đức Toàn tại Sơn Hà thông tin chi tiết thêm: Người dân Sơn Hà cho biết, mực nước lũ  năm nay bằng trận lũ lịch sử năm 1986, khu vực  đầu Hàng Gòn (thị trấn Di Lăng) nước ngập sâu tới hơn 2m. Theo báo cáo sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Hà, đến thời điểm 16 giờ ngày 15.11 toàn huyện chỉ có 3/14 xã, thị trấn là  không bị chia cắt, trên 20 điểm dân cư với gần 10 nghìn hộ dân đang đối mặt với nguy cơ bị cô lập. Cầu treo Sơn Thủy bị đứt néo đổ sập ở phía Tà Bần. Ngôi nhà cùa bà Đinh Thị Mai ở thôn Tà Gầm, xã Sơn Kỳ bị sạt vách.
 
Ông Nguyễn Phong- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết : “Lũ từ thượng nguồn sông Tang, sông Re đổ về  gây ngập lụt ở các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Ba, Sơn Bao, Sơn Nham và TT Di Lăng. Hiện chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của các xã, đưa nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao. Đặc biệt ở TT Di Lăng tại khu phố Hàng Gòn chúng tôi huy động lực lượng huyện, xã đưa toàn bộ nhân dân, người già và trẻ em về phía UBND huyện, chỉ để lại 1, 2 thanh niên ở lại giữ nhà. Khi nước dâng cao hơn nữa mới tiếp tục di dời để đảm bảo an toàn.”

Tình hình thời tiết trên địa bàn huyện Sơn Hà vẫn hết sức phức tạp, mưa vẫn nặng hạt. Nước lũ vẫn đang lên nhanh, cán bộ và nhân dân trong huyện đang tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó khi lũ lụt xảy ra.
 
 
Nước ngập cầu Sông Rin. Ảnh: Đ.Toàn
Nước ngập cầu Sông Rin. Ảnh: Đ.Toàn

 

Nghĩa Hành: Nhiều xã ngập sâu trong nước

Phóng viên Mỹ Hoa đang có mặt tại huyện Nghĩa Hành cho biết: Từ đêm ngày 14.11 đến trưa ngày 15.11, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có mưa to đến rất to khiến mực nước sông Vệ và sông Phước Giang dâng cao. Hiện 9/12 xã của huyện gồm: Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Minh, Hành Dũng, Hành Nhân và thị trấn Chợ Chùa đã bị ngập sâu, chia cắt trong nước. Đặc biệt, nhiều nhà dân ở hai xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây đã bị ngập sâu từ 1-3 mét.
 

 

BCH PCLB&TKCN huyện Nghĩa Hành đã huy động tất cả lực lượng, phương tiện sẵn có để hỗ trợ công tác di dời, sơ tán dân; bố trí người chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tại các tuyến đường, cầu, tràn có nước chảy xiết. Đồng thời UBND huyện cũng đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương đặt tại UBND xã Hành Thiện để trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó.
 
Đến thời điểm này, toàn bộ 10/12 xã (trừ hai xã Hành Thuận và Hành Trung) của huyện Nghĩa Hành đã bị nước chia cắt, cô lập hoàn toàn. Hiện mực nước đang tiếp tục dâng cao. Công tác di dời, sơ tán dân ở các vùng xung yếu vẫn đang được các địa phương khẩn trương tiến hành.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm- Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây-một trong những địa phương bị ngập nặng nhất cho biết: Toàn xã có đến 756 nhà bị ngập sâu từ 0.5-2 mét-bằng 1/2 đỉnh lũ năm 1999. Và đến 15 giờ, chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán 257 hộ/1.357 khẩu đến các nơi an toàn.

Theo BCH PCLB&TKCN huyện Nghĩa Hành, đến 16 giờ, toàn huyện đã di dời, sơ tán 2.000 hộ/6.133 hộ dân ở các vùng xung yếu, đặc biệt là ven sông Vệ và sông Phước Giang; đồng thời bố trí lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc sơ tán, di dời tài sản cũng như chốt chặn ở 21 tuyến đường đang bị nước chia cắt. Thống kê sơ bộ toàn huyện hiện có 6.500 nhà bị ngập nước từ 05-1.5 mét, có nơi 2 mét.

Lũ lụt cũng đã khiến một người chết. Đó là em Vương Thị Thu Thảo, sinh năm 2003, ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, học sinh trường Tiểu học xã Hành Đức bị nước cuốn khi đang trên đường đến trường.

 

Nhiều vùng của xã Hành Tín Đông đã bị ngập sâu trong nước
Nhiều vùng của xã Hành Tín Đông đã bị ngập sâu trong nước
 
 
Sơn Tây: Khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng sạt lở

Cộng tác viên Thiên Bảo từ Sơn Tây cho biết: Vào 8 giờ sáng 15.11, nhiều hộ dân dọc theo dòng suối Huy Măng, xã Sơn Dung đã được lệnh di dời khẩn cấp đến nơi trú ẩn an toàn. Mưa lớn kéo dài từ rạng sáng ngày 14.11 đã gây xói lở dọc hai bên bờ suối. Nhiều ngôi nhà đã bị xói vào móng nhà.
 
Tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Sơn Tây nước đã làm ngã một dãy tường rào, nước cũng đã tràn vào phòng ăn của học sinh. Đến 18 giờ ngày 15.1, trên địa bàn huyện Sơn Tây đã di dời 163 hộ dân với 636 nhân khẩu đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời đã cử người đến chốt chặn tại các điểm nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại, tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Những hộ dân được di dời cũng đã được hỗ trợ, cấp phát mì tôm và các nhu yếu phẩm khác, đảm bảo  người dân không bị đói trong suốt thời gian xảy ra lũ. Trên địa bàn huyện Sơn Tây tối ngày 15.11 vẫn đang có mưa rất lớn, nguy cơ lở núi là rất cao.
 
Ba Tơ: Mưa lớn gây chia cắt nhiều vùng

Cộng tác viên Trương Chi cho biết: Từ chiều tối ngày 14.11 đến sáng ngày 15.11 trên địa bàn huyện Ba Tơ có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong sáng ngày 15.11 là 400mm. Mưa to kéo dài đã làm chia cắt nhiều vùng xung yếu trên địa bàn huyện Ba Tơ như khu vực xã Ba Tiêu, Ba Vì, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Lế, Ba Nam, Ba Động, Ba Bích, Ba Vinh trong nhiều giờ liền.

Nhiều vùng ở huyện Ba Tơ bị ngập sâu trong nước và cô lập
Nhiều vùng ở huyện Ba Tơ bị ngập sâu trong nước và cô lập

 

Trên địa bàn các xã dọc Quốc lộ 24A đoạn qua xã Ba Động thuộc km 20 đến 15 đều bị ngập sâu. Cầu Hóc Kè đi Hành Tín Đông bị ngập nặng gây chia cắt hoàn toàn, người và phương tiện không thể qua lại. Nhiều địa phương của xã Ba Động bị cô lập.

Ông Võ Văn Trung- Bí thư Đảng úy xã Ba Động, huyện Ba Tơ cho biết: Xã đã chỉ đạo cho các lực lượng công an, quân sự, huy động hết cả lực lượng xung kích chốt chặn những địa điểm như Hóc Hè, Tân Long Hạ và cầu qua Tân Long Trung và Ba Thành. Những điểm này rất phức tạp nên lực lượng đã chốt chặn không cho người dân vớt củi, xem, câu cá rất nguy hiểm đến tính mạng.

Tuyến đường từ Quốc lộ 24A đi xã Ba Giang và tại đèo Đá Chát thuộc địa phận xã Ba Động cũng bị sạt lở nặng. Hiện tại huyện Ba Tơ đang chỉ đạo Ban quản lý Dự án tiến hành khắc phục, nhưng do khối lượng quá lớn và vẫn còn mưa to nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Huyện Ba Tơ cũng tổ chức di dời 33 nhà dân bị ngập do nước lũ và 400 hộ trong vùng bị ngập sâu và có nguy cơ bị ngập, để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Tơ đang bị mất điện hoàn toàn.

Bình Sơn: Di dời trên 500 hộ dân

Phóng viên Minh Toàn dẫn thông tin từ ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Sáng 15.11, tuyến đường Bình Chương, đoạn cầu Ngọc Trì đã bị ngập sâu trong nước. Huyện đã huy động lực lượng túc trực hai bên không cho người và phương tiện qua lại. Hiện nước sông Trà Bồng đang dâng cao, nhiều tuyến đường trong huyện bị ngập, nhiều khu dân cư cũng đang có nguy cơ bị chìm trong nước lũ.

Trước tình trạng trên, trong ngày 15.11, UBND huyện Bình Sơn đã chi đạo các xã khẩn trương di dời trên 500 hộ dân ở các xã như Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thới, Bình Dương… đến nơi an toàn. Đặc biệt trong sáng 15.11, chính quyền xã Bình Mỹ cũng đã khẩn trương di dời tất cả các hộ dân và các kiốt tại chợ Bình Mỹ.

Còn tại huyện Tư Nghĩa, theo ông Lê Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, hiện các xã như Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp, và nhiều thôn của xã Nghĩa Kỳ như Xuân Phổ Tây, Xuân Phổ Đông bị chìm trong biển nước gây chia cắt hoàn toàn.

Nước lũ lên nhanh đã khiến cho nhiều hộ dân không trở tay kịp, nhiều hộ chưa kịp di chuyển vật dụng lên chỗ cao. Đặc biệt tại xã Nghĩa Hiệp, hiện hàng trăm he1cta hoa của xã này cũng bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều khả năng mất trắng.

Theo UBND huyện Tư Nghĩa, huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương thực hiện phương an di dời dân như đã phê duyệt, trước mắt khẩn trương đưa phụ nữ, người già, trẻ em di chuyển đến những nơi an toàn. Ước tính huyện Tư Nghĩa có 8.300 hộ với 38.000 nhân khẩu ở vùng trũng sẽ phải di dời.

Phóng viên Thanh Nhị thông tin thêm: Vào khoảng 10 giờ 20 sáng 15.11, bất ngờ một cơn gió xoáy cường độ mạnh đã cuốn bay hơn 100 tấm tôn lợp Trạm y tế  xã Nghĩa An và tốc hoàn toàn mái 4 ngôi nhà gần đó. Đã có 4 người bị thương do bị cây cối, đá, tôn và ngói rơi trúng người.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tư Nghĩa  đã có mặt kịp thời cử lực lượng hỗ  trợ người dân và trạm y tế dọn dẹp đổ nát do lốc gây ra; đồng thời di chuyển toàn bộ phương tiện, vật tư y tế đến nơi an toàn, sớm ổn định hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 

DỪNG 6 TUYẾN XE BUÝT VÌ ĐƯỜNG NGẬP NƯỚC

Ông Trần Quốc Linh – Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Quảng Ngãi cho biết: Do nước sông dâng cao, ngập nhiều tuyến đường, từ đầu ngày 15.11, Mai Linh Quảng Ngãi đã tạm ngưng phục vụ 6 tuyến xe buýt từ TP Quảng Ngãi đi: Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Cổ Lũy, Thạch Nham, Trà Bồng. Trong đó, tuyến xe buýt lượt về từ Trà Bồng – TP.Quảng Ngãi vào chiều cùng ngày do nước dâng cao, tài xế, nhân viên và hành khách không thể lưu thông theo tuyến thông thường mà phải đi đường vòng, nhưng nhiều khả năng sẽ phải dừng lại dọc đường chứ không về bến được.                                                                        

T.NHỊ

 

Phóng viên Ngọc Đức dẫn thông tin từ ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Tại huyện miền núi Trà Bồng, mưa lớn từ tối 14.11 và ngày 15.11 đã khiến mực nước ở các sông suối dâng cao, một số nơi xảy ra lũ quét làm cầu và một số tuyến đường trên địa bàn huyện hư hỏng, một số nhà dân bị nước lũ vào cuốn trôi đồ đạc.

Cho đến 17 giờ chiều nay, huyện Trà Bồng đã khẩn trương chủ động di dời hơn 700 hộ dân ở các xã nằm trong vùng sạt lở như: Trà Tân, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy đến nơi an toàn, đồng thời tiến hành kiểm tra ngay các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn huyện.

 

Huyện Trà Bồng nhanh chóng đưa lực lượng đến khắc phục các điểm sạt lở
Huyện Trà Bồng nhanh chóng đưa lực lượng đến khắc phục các điểm sạt lở
Tại cầu Suối Nang, một nhánh của sông Trà Bồng nằm ngay sát Trung tâm huyện, nước đang lên rất nhanh gần 200 hộ dân sống dọc khu vực này  khẩn trương sơ tán dọn đồ đạc để tránh lũ.
 
Trong khi đó, tại cầu Suối Bồi ngay khu vực trung tâm y tế huyện. Đây là khu vực rất đông dân cư, nước đã ngập nhà dân, dập thẳng vào mố cầu nứt toát ra, gây sạt lở nặng, đe dọa đến tính mạng 300 hộ dân đang sinh sống tại đây. Chính quyền địa phương đã đưa người và phương tiện tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả.
 
Cho đến 17 giờ chiều nay, huyện Trà Bồng đã khẩn trương chủ động di dời hơn 700 hộ dân ở các xã nằm trong vùng sạt lở như: Trà Tân, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy đến nơi an toàn, đồng thời tiến hành kiểm tra ngay các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn huyện.
 
Ngay trong đêm nay, huyện Trà Bồng cũng sẽ huy động tất cả lực lượng, phương tiện sẵn có để hỗ trợ công tác di dời, sơ tán dân, bố trí người chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tại các tuyến đường, cầu, tràn có nước chảy xiết. Đồng thời cử ngay thành viên ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện về ngay các xã để trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó với mưa lũ.


 

Mực nước ở các sông, suối đang dâng rất cao
Mực nước các sông, suối ở Trà Bồng đang dâng rất cao


Minh Long: Nhiều khu dân cư bị cô lập

Phóng viên Ái Kiều đưa tin: Mưa lớn trên diện rộng đã khiến mực nước các sông suối ở huyện Minh Long dâng cao rất nhanh. Nước từ thượng nguồn đổ về như thác nước gây ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là các thôn Sơn Châu, Gò Nai (Long Sơn), Làng Ren (Long Môn) bị cô lập hoàn toàn, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã bị ngập sâu.

Xã Long Sơn đã huy động toàn bộ nhân lực gồm công an, bộ đội, thanh niên tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ở thôn Sơn Châu đến nơi an toàn, gia súc gia cầm của các gia đình được di chuyển lên các nơi cao hơn.

Hiện tại, thôn Làng Ren bị chia cắt và mất liên lạc hoàn toàn, vì địa điểm này chưa có điện thoại liên lạc, địa hình lại phức tạp, qua nhiều con suối. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo người dân dự trữ lương thực, thức ăn trước cơn bão số 14. “Việc mà địa phương lo lắng nhất vào thời điểm này là người dân ở Làng Ren bị đau ốm nặng sẽ rất khó khăn”- Ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết

TP. Quảng Ngãi: Dân bất chấp nguy hiểm ra sông vớt củi

Phóng viên Minh Toàn thông tin: Trưa 15.11, mực nước trên sông Trà Khúc đã vượt báo động 3. Điều đáng nói, nước lũ dâng cao cũng là lúc người dân đổ ra sông Trà Khúc để với củi, kéo cá.... Cùng với đó, hàng chục thanh niên, học sinh cũng tụ tập đùa giỡn, bất chấp nguy hiểm.

 

Thanh niên, học sinh đã tụ tập xem kéo vó, vớt củi khi nước lũ đang lên nhanh.
Trưa 15.11, trong khi nước lũ sông Trà Khúc đang lên nhanh thì hàng chục thanh niên, học sinh đã tụ tập xem kéo vó, vớt củi bất chấp nguy hiểm.
Lũ trên sông Trà Khúc lên cao cũng là lúc những chiếc ghe giăng hàng ngang để vớt củi.
Lũ trên sông Trà Khúc lên cao cũng là lúc những chiếc ghe giăng hàng ngang để vớt củi.
Nhiều người còn liều hơn lội ra giòng nước lũ để vớt củi. Đã có nhiều trường hợp chết đuối xảy ra trên sông Trà Khúc do lội ra
Nhiều người còn liều lĩnh hơn, lội ra mép sông để vớt củi. Đã có nhiều trường hợp chết đuối xảy ra trên sông Trà Khúc do với củi như thế này.

 

Theo phóng viên Lê Đức: Tại KCN Quảng Phú, mưa lớn đã làm nhiều nhà xưởng ở đây bị ngập nặng, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, bị ngập nặng nhất là ở Công ty TNHH Hoàn Vũ, chuyên kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Nước mưa từ các cống thoát nước tràn vào nhà xưởng gây ngập khoảng 30cm, có điểm ngập gần 40cm.

 

Nhà xưởng Công ty TNHH Hoàn Vũ bị nước ngập nặng.
Nhà xưởng Công ty TNHH Hoàn Vũ bị nước ngập nặng.

 

Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Phó Giám đốc công ty TNHH Hoàn Vũ, công ty bị ngập khoảng 1.000m3 gỗ xẻ, đã được sấy khô. Do đó, ngoài chậm trễ hợp đồng, nhà xưởng đóng cửa vì nước ngập thì doanh nghiệp còn tốn tiền công, điện sấy lại toàn bộ số gỗ đã bị ướt.

Mưa lớn cũng đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi chìm trong nước vào sáng 15.11 (Xem chùm ảnh TP.Quảng Ngãi: Nhiều tuyến đường ngập trong nước)

 

Tiếp tục cập nhật....

 


.