Lại chuyện cây mía cây mì

02:09, 19/09/2010
.

(QNg)- Theo Hiệp hội Mía đường VN, sản lượng đường mía cả nước vụ 2010-2011 đạt khoảng 900.000 tấn, bằng niên vụ 2009-2010. Như vậy trong năm 2011 nước ta vẫn phải nhập 300.000 tấn đường.

Và trên thị trường hiện nay, giá đường đã tăng hơn 1000đ/kg (khoảng 21.000đ/kg-22.000đ/kg).

Giá đường tăng, nhưng ở nhiều địa phương, vùng nguyên liệu mía lại đang co hẹp đáng lo ngại. Lý do cũng đơn giản: nông dân không có lời nhiều khi trồng mía. Và khi đang có những cây gì khác cạnh tranh mạnh mẽ với cây mía về giá bán, trong đó đặc biệt là cây sắn mì, thì sẽ càng khó khăn cho cây mía.

Hiện nay khắp các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi cây sắn (mì) đang "lấn" cây mía. Đơn giản, vì so với trồng và chăm sóc cây mía, thì trồng và chăm sóc cây sắn dễ và đỡ tốn hơn rất nhiều. "Đầu ra" của củ sắn mì lại đang rất ổn định, với mức giá ngày càng cao. Dự kiến qui hoạch vùng nguyên liệu mì sắn tại Quảng Ngãi trong hai năm tới sẽ là 10.000 ha.
 
Và không chỉ Quảng Ngãi, mà Quảng Nam và Bình Định cũng sẽ có vùng nguyên liệu sắn tương tự như vậy. Giá thu mua củ mì đang rất hứa hẹn, vì các nhà máy sản xuất ethanol cần một lượng nguyên liệu rất lớn và khả năng tiêu thụ của ethanol rất khả quan.  Trong khi từ 7.598 ha mía trong niên vụ 2006-2007, niên vụ 2008-2009 tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn 5.981 ha mía.
 
Sự "co hẹp" vùng nguyên liệu mía chỉ do một nguyên nhân lớn nhất: người nông dân không còn "mặn mà" với cây mía nữa. Thu nhập từ nghề trồng mía là thấp, dù giá mía cây có tăng, nhưng so với giá đầu vào khi trồng mía và nhất là so với giá đầu ra của mì sắn thì giá mía cây "yếu" thấy rõ.

Giá đường tăng, nhưng qui trình để đi tới sản phẩm đường là một qui trình có ít nhất là ba công đoạn, trong đó công đoạn người trồng mía là quyết định. Nhưng chính ở công đoạn này thu nhập của người trồng mía không tương xứng với công sức và tiền của đầu tư mà họ bỏ ra.
 
Trong khi được hưởng lợi lớn nhất, nhiều nhất lại ở công đoạn ba, công đoạn "mua trữ và bán hàng"-tạm gọi là công đoạn của các "đầu nậu" kinh doanh đường mía. Chính các nhà máy đường cũng thừa nhận, mặc dù đã hết sức cố gắng để tiết kiệm chi phí sản xuất, thậm chí "tiết kiệm" cả giá thu mua mía cây của nông dân bằng nhiều cách, nhưng lời lãi từ đường mía của họ vẫn thấp nhiều so với các đại lý kinh doanh đường.

Nếu không có một chiến lược, một tính toán giá cả ổn định ở mức cao hợp lý cho giá mía cây, thì nếu niên vụ 2010-2011 ta phải nhập khẩu 300.000 tấn đường, thì con số nhập khẩu đường sẽ tăng lên vào niên vụ sau. Người kinh doanh đường thì có thể không quá quan tâm tới chuyện xuất hay nhập đường, nhưng Nhà nước và nhất là các nhà máy đường thì dứt khoát phải quan tâm và có giải pháp thích hợp để khắc phục.           

Thanh Thảo

.