Xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu: Sẽ có chế tài mạnh

10:12, 02/12/2019
.
Dự kiến tháng 12, một nghị định mới với các chế tài mạnh, đủ sức răn đe sẽ có hiệu lực và thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, khí.
 
Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
 
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận, kinh doanh xăng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Điển hình như tháng 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ pha chế hơn 2 triệu lít xăng giả ở Nghệ An. Gần đây nhất, tháng 7/2019, công an tỉnh Đăk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa với chất tạo màu để tạo ra xăng A95 bán ra thị trường.
 
Tại Tọa đàm "Xăng dầu giả, thiệt hại thật", ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là bán xăng dầu ngoài hệ thống. Thứ 2 là kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực, thậm chí có trường hợp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu cũng không có.
 
Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra chất lượng xăng dầu
Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra chất lượng xăng dầu
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó lường, nhập xăng trôi nổi trên thị trường, thậm chí pha trộn làm thay đổi chất lượng xăng dầu để bán. Có những đối tượng tác động đến kỹ thuật, phương tiện đo làm sai lệch kết quả, bơm chồng số, tự ý điều chỉnh giá và thậm chí còn treo biển không bán hàng, cố tình che bảng thông tin cột bơm… nhằm thu lợi bất chính.
 
"Từ đầu năm đến nay, Tổng cục QLTT đã phối hợp một số tỉnh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện có địa phương, có tới 50% mẫu xăng dầu khi kiểm tra không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật" - ông Trần Hữu Linh thông tin thêm.
 
Mặc dù đạt kết quả nhất định, song quá trình kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều bộ, ngành quản lý. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, quy chế phối hợp còn hạn chế và chưa có nguồn tin tốt nên chưa ngăn chặn triệt để nhập lậu xăng, dầu. "Đặc biệt là trong công tác xử lý, đôi khi trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm, mà xăng dầu lại lưu thông liên tục, khi phát hiện ra sai phạm thì lúc đó xăng trong bồn đã kịp bán hết" - ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
 
Mạnh tay xử lý vi phạm
 
Trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu đang diễn ra khá phổ biến, trong tháng 10/2019, Tổng cục QLTT đã trình Bộ Công Thương và Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính các mặt hàng xăng dầu, khí, gas. Theo đó, Tổng cục QLTT đề xuất các mức xử phạt vi phạm mạnh tay hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành quy trình đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
 
"Kỳ vọng những chính sách mới có đủ chế tài, đủ sức răn đe để hạn chế hành vi buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian sắp tới" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất xăng giả, theo ông Trần Hữu Linh, các lực lượng chức năng cần phải nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; công bố công khai những cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ.
 
Từ đầu năm 2018 cho đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý gần 5.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu, xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc và đã tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 công tơ và 1 cây xăng.
 
Tuệ Minh/Báo Công thương

.