Làm giùm, lãnh án ra sao?

04:11, 07/11/2018
.

Pháp luật xử trí ra sao đối với những giám đốc thuê, thậm chí chỉ đứng tên hồ sơ vay, nhận tiền giùm trong vụ án liên quan đến hoạt động vay vốn, kinh doanh tại ngân hàng?

Thuê giám đốc, nhờ người ký tên trong hồ sơ vay tiền là chiêu thức "truyền thống" nhưng chưa bao giờ lỗi thời trong những đại án liên quan đến ngân hàng. Gần đây nhất, trong vụ thất thoát xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank) và đồng phạm đã cậy nhờ không ít người thân, người quen đứng tên hồ sơ vay, giao dịch hòng chiếm đoạt tài sản.

Giúp đỡ suông?
 
Điển hình, ông Phạm Văn Tân (nguyên trợ lý của ông Trần Phương Bình) ký hồ sơ vay giúp ông Bình 185 tỉ đồng tại DongA Bank. Ông Đỗ Văn Hiếu (Trưởng Phòng Hành chính DongA Bank), ông Trương Quốc Khánh đều khai được ông Bình nhờ đứng tên mua cổ phần ngân hàng nhưng họ không biết sếp (ông Bình – PV) mua từ nguồn tiền nào. Trong hành vi chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng của Trần Phương Bình và đồng phạm, Lê Nguyên Đăng Hằng, Bùi Văn Tiến đứng tên vay giúp ông Bình 80 tỉ đồng (40 tỉ đồng/người). Tương tự, ông Bình còn nhờ Nguyễn Huy Trường Hồng vay DongA Bank 25.000 chỉ vàng; Dương Thị Hồng Hà vay 28 tỉ đồng.
 
Nhận giúp ông Bình và là đồng phạm, Từ Thị Mỹ Linh (nguyên Trưởng Phòng Giao dịch Hàm Nghi - DongA Bank Chi nhánh quận 1, TP HCM) nhờ cha, mẹ, chồng đứng tên vay giùm 35,7 tỉ đồng. Linh khẳng định vì tin tưởng cấp trên nên làm giúp. Linh và người nhà không hưởng lợi hoặc tham gia bàn bạc việc chiếm đoạt tiền. Theo những người này, ông Bình chịu trách nhiệm thanh toán những khoản vay trên.

 

Bị cáo Phan Mộng Hoàng (đứng hàng đầu, trái) hầu toà cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại BIDV Tây Sài Gòn
Bị cáo Phan Mộng Hoàng (đứng hàng đầu, trái) hầu toà cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại BIDV Tây Sài Gòn
Chưa hết, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) sử dụng pháp nhân công ty ký hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán hơn 10.400.000 cổ phần Công ty Không giam ngầm. Tiền mua cổ phần do ông Bình thu xếp. Vũ khai không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào khi mua, ai đang quản lý số cổ phần trên. Vũ chỉ đứng tên mua giúp ông Bình…
 
Mới đây, quá trình xét xử vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng tại BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn phát sinh rắc rối liên quan tài sản thế chấp sai quy định. Cụ thể, dự án siêu thị WinMart (Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) có định giá hơn 94,5 tỉ đồng, giá thuê đất 64,8 tỉ đồng. Nhóm lãnh đạo thế chấp dự án vay 40 tỉ đồng. Ra tòa, bị cáo Phan Mộng Hoàng (người ký thỏa thuận thuê đất) cho rằng giá thuê thực tế là khoảng 27 tỉ đồng. Bị cáo ký tên nâng khống do bị cáo khác nhờ vả và HĐQT gây áp lực. Bị cáo không hưởng lợi. Cũng trớ trêu không kém là trong đại án Ngân hàng Xây dựng, 19 người làm giám đốc được Phạm Công Danh thuê khi ra tòa đã "ú ớ" nhiều chuyện…
 
Xử lý hình sự nếu hưởng lợi
 
Có hay không hưởng lợi, những người phạm tội vì lòng tin, vì người khác cậy nhờ hay làm thuê đều chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả mình gây ra. Dù không tham gia tổ chức, bàn bạc thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng (chỉ hưởng tiền công từ 5-12 triệu đồng/người/tháng) nhưng những người làm thuê cho ông Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm đồng phạm giúp sức tích cực trước pháp luật, với mức án không hề nhẹ. Hai cấp xét xử đều nhận định từ hồ sơ vay vốn đứng tên giám đốc công ty "ma" giúp nhóm tội phạm rút ruột hàng ngàn tỉ đồng. Chính vì thế, 19 giám đốc được thuê lãnh án nặng; có người phải chịu hình phạt lên đến 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
 
Trong quá trình điều tra vụ án DongA Bank, VKSND Tối cao từng yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân, Từ Thị Mỹ Linh cùng một số người liên quan về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, cơ quan công an ghi nhận Tân, Linh không bàn bạc, cũng không hưởng lợi trong vụ án. Ông Trần Phương Bình và đồng phạm lợi dụng lòng tin của 2 người này hòng chiếm đoạt tiền ngân hàng. Đại diện cơ quan điều tra cho biết hành vi của Tân và Linh phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 165 Bộ Luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với Tân và Linh do thi hành luật mới. Theo Bộ Luật Hình sự 2015, Tân và Linh không phạm tội danh trên.
 
Mới đây, TAND TP HCM phạt Phan Mộng Hoàng 3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo thẩm phán Ngô Ngọc Thắng, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát tại BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn, Hoàng thành khẩn khai báo, là một trong số 3 bị cáo nhận mức án thấp nhất. Diễn biến phiên tòa và hồ sơ vụ án không chứng minh được Hoàng hưởng lợi vật chất khi ký tên nâng khống tiền thuê đất. Tuy nhiên, Hoàng biết sai nhưng vẫn làm. Sai lầm này giúp nhóm tội phạm thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. 
 
Theo DI LÂM/Báo Người lao động

.