Vượt khó để thành công 

18:03, 20/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều thanh niên ở nông thôn dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn để thực hiện thành công các mô hình phát triển kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương), anh Võ Hoàng, ở thôn 2, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa)  làm việc cho một công ty tư nhân tại TP.Đà Nẵng. Năm 2022, anh Hoàng về làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ngoài thời gian đi làm, anh Hoàng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình. Nhận thấy nuôi con dúi là mô hình phù hợp để khởi nghiệp, anh đã vay mượn gần 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh nuôi vài cặp dúi nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Không nản chí, anh Hoàng kết nối với các trại nuôi dúi trong và ngoài tỉnh để học hỏi kỹ thuật nuôi. Qua thời gian, anh đã thành công với mô hình này. Hiện tại, anh sở hữu trại nuôi dúi với quy mô gần 300 con.

Vợ chồng chị Hồ Thị Thu Hà, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) khởi nghiệp với mô hình vườn ươm cây keo giống.
Vợ chồng chị Hồ Thị Thu Hà, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) khởi nghiệp với mô hình vườn ươm cây keo giống.

Từ thành công của mô hình, anh Hoàng đang tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển số lượng dúi. Ngoài ra, anh còn cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ nuôi dúi trong và ngoài tỉnh; đồng thời đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hàng chục hộ nuôi dúi trong tỉnh để cung cấp cho thị trường khu vực phía nam. 

Theo anh Hoàng, nuôi dúi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao. Thức ăn cho dúi rất dễ tìm, ít tốn kém, chủ yếu là mía, lá tre, thân cỏ... Dúi nuôi 8 tháng là trưởng thành, đến kỳ sinh sản. Một năm dúi đẻ được 3 lứa, mỗi lứa 2 - 4 con. Dúi nuôi khoảng 10 tháng là có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng từ 1,5 - 2kg, giá bán 600 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Hoàng thu về gần 100 triệu đồng. “Thịt dúi là một trong những món đặc sản, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, số lượng dúi thịt không đủ cung cấp ra thị trường nên tôi phải đi thu mua nhiều nơi để cung cấp cho các đầu mối lớn", anh Hoàng cho biết thêm. 

Chị Hồ Thị Thu Hà, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) khởi nghiệp với mô hình ươm cây keo giống. Chị Hà từng tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) nên thuận lợi trong thực hiện mô hình. Đến nay, gắn bó với nghề ươm cây giống hơn 12 năm, chị Hà đã học tập được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, phát triển cơ sở vườn ươm lớn nhất xã Nghĩa Lâm. Mỗi năm, vườn ươm của chị Hà cung cấp ra thị trường gần 2 triệu cây keo giống và hơn 4.000 cây cau. Ngoài ra, chị còn cung cấp dừa giống các loại cho nhiều nhà vườn. Mô hình kinh tế của chị Hà sau khi trừ chi phí cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Từ chỗ kinh tế khó khăn, gia đình chị Hà đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập khá. Không những vậy, vườn ươm của gia đình chị còn giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động nông nhàn tại địa phương với mức thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng.  

Bài, ảnh: TRÍ PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:03, 20/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.