Tiền bạc và hạnh phúc gia đình

09:19, 07/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người xưa có câu “của chồng, công vợ”. Do đó, vợ chồng cùng nhau góp sức, không quá rạch ròi, tính toán chi li tiền bạc thì gia đình sẽ hạnh phúc. 

Thực tế cho thấy, trong cuộc sống vì tính toán, xem trọng chuyện tiền bạc nên dẫn đến nhiều cặp vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", hôn nhân tan vỡ.

Hôn nhân đổ vỡ vì tiền bạc 

Câu chuyện mâu thuẫn về tiền bạc dẫn đến khủng hoảng hôn nhân khá phổ biến. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng bộ môn Kinh tế và Du lịch, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), một cặp đôi sau khi tiến đến hôn nhân và lập gia đình, cả hai sẽ đối mặt nhiều vấn đề, trong đó sự hòa hợp về tính cách, hay cách thức quản lý tài chính ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Không nên xem quản lý tài chính trong gia đình là chuyện tế nhị không nên bàn đến. Để hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng cần phải thống nhất với nhau về vấn đề quản lý tài chính trong gia đình.

Khi vợ chồng cùng nhau đồng hành, chia sẻ áp lực trong cuộc sống thì gia đình sẽ hạnh phúc. 	                ẢNH: MỸ DUYÊN
Khi vợ chồng cùng nhau đồng hành, chia sẻ áp lực trong cuộc sống thì gia đình sẽ hạnh phúc. ẢNH: MỸ DUYÊN

Trên thực tế, các cặp vợ chồng thường bị áp lực về mức thu nhập thấp, mức sống quá cao, các chi tiêu mới phát sinh... Nhiều cặp vợ chồng thiếu kiến thức về quản lý tài chính trong gia đình, dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. 

Đơn cử trường hợp chị M, là giáo viên tiểu học ở huyện Tư Nghĩa. Hai vợ chồng chị kết hôn năm 2005. Lúc đó, kinh tế gia đình rất khó khăn. Anh H vừa đi làm, vừa lo học phí cho vợ học đại học. Một mình anh lo tất cả các khoản chi phí trong gia đình. Sau khi tốt nghiệp, chị M được tuyển dụng vào giảng dạy tại một trường tiểu học. Thu nhập của giáo viên bộ môn vốn ít ỏi nên chị M tranh thủ thời gian làm thêm nhiều việc từ việc bán bảo hiểm đến máy lọc nước... Còn anh H lúc này thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Anh đưa cho vợ khoảng 2 triệu đồng/tháng để lo việc ăn uống trong gia đình, còn lại anh trả nợ ngân hàng và chi tiêu cá nhân. Chỉ với số tiền ít ỏi chồng đưa mỗi tháng, chị M phải vừa đi dạy, vừa làm thêm để có tiền lo cho 2 con nhỏ ăn học. Sự thiếu thốn về tiền bạc dần dần dẫn đến những mâu thuẫn trong vợ chồng. Mâu thuẫn ấy cứ dần lớn lên và cuối cùng hai anh chị quyết định ly hôn.

Các gia đình cần có kế hoạch về tài chính để chăm lo cho tương lai của con cái. (Ảnh minh họa)    

Sẻ chia để gia đình hạnh phúc 

Áp lực về kinh tế có thể dẫn đến những căng thẳng và xung đột, ngay cả với những cặp vợ chồng được xem là hạnh phúc. Chị N hiện đang làm việc tại TP.Quảng Ngãi thổ lộ, thu nhập của hai vợ chồng chị chủ yếu từ tiền lương. Hiện nay, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 18 triệu đồng. Hằng tháng, anh T - chồng chị N chuyển cho vợ 50% tiền lương. Ngoài ra, anh còn lo các khoản chi phí phát sinh trong gia đình. Chị N dùng tiền lương của cá nhân cùng với số tiền chồng chuyển để lo các sinh hoạt phí trong gia đình như tiền ăn uống, tiền điện, nước, Internet, tiền học cho con, mua sắm... “Hai vợ chồng quyết định mỗi tháng để dành 2 triệu đồng. Song, có tháng khoản tiết kiệm này cũng bị hụt vì những phát sinh và khoản chi chưa hợp lý”, chị N nói.

Nhiều khi có những khoản chi chưa hợp lý dẫn đến sự thâm hụt tài chính. Anh T đã khéo léo nhắc nhở vợ. Chị N cũng cân nhắc hơn trong việc chi tiêu. Song, chị N cho rằng, các khoản chi phí của hai vợ chồng và con gái cũng như lo cho gia đình hai bên và trả nợ ngân hàng là rất nhiều. Vì vậy, chị mong muốn chồng có thể chia sẻ những khó khăn về tài chính với vợ, thay vì chỉ đưa tiền để hoàn thành trách nhiệm.

Theo chị N, người chồng đưa tiền sinh hoạt cho vợ ít dẫn đến khó khăn trong chi tiêu. Lâu ngày, điều đó dẫn đến những mâu thuẫn làm sứt mẻ tình cảm. Trước đây, anh T không đưa tiền cho vợ. Chị N phải sử dụng toàn bộ thu nhập của mình để lo cho gia đình. Về sau, chị cảm thấy như vậy là không ổn nên đã trao đổi với chồng để có sự thống nhất. Những tháng có phát sinh nhiều thì anh T đưa tiền lương cho vợ ít hơn. Chị N cũng hiểu và chia sẻ để chồng đỡ áp lực trong vấn đề kinh tế.

 

Vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Họ không chỉ là “tay hòm chìa khóa”, mà bằng sự khéo léo, kết hợp với sự sẻ chia để hai vợ chồng thấu hiểu nhau trong vấn đề tài chính, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.

TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:19, 07/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.