Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần sự chung tay của cộng đồng

14:46, 08/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực gia đình (BLGĐ) để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Để xóa bỏ vấn nạn này rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
 
[links()]
 
Nhiều mô hình hay
 
Thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), đã triển khai hiệu quả mô hình “địa chỉ tin cậy” cùng với đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Bà Lê Thị Lâm Hồng, ở thôn Đề An cho biết, từ năm 2017 đến nay, nhờ có “địa chỉ tin cậy” đã giảm đáng kể các vụ BLGĐ xảy ra tại địa phương. Một vài vụ xích mích nhỏ được hỗ trợ tư vấn, hòa giải kịp thời. Anh Hà Thanh Quang, cán bộ Phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành cho biết, toàn huyện đã thành lập, nhân rộng được 45 mô hình, câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc, cha, mẹ nuôi dạy con tốt và 50 "địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng. Mỗi CLB có từ 30 - 50 thành viên. Khi tham gia CLB, người dân được nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ... Nhờ đó, hạn chế tình trạng BLGĐ ở các địa phương.
 
Sở VH-TT&DL thường xuyên tổ chức các hoạt động để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở VH-TT&DL thường xuyên tổ chức các hoạt động để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Huyện Minh Long cũng đã triển khai nhiều mô hình thiết thực trong phòng, chống BLGĐ như thành lập CLB bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng "địa chỉ tin cậy" ở các thôn, khu dân cư... 
 
Còn Chi hội Phụ nữ thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây) thì thực hiện mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc và bảo vệ trẻ em”. Mô hình này có 50 thành viên tham gia. Qua sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các thành viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Long Phạm Thị Trinh Nữ cho hay, sau 2 năm xây dựng mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, hầu hết các vụ BLGĐ ở xã được phát hiện. Các mâu thuẫn gia đình cơ bản được hòa giải ngay từ cơ sở. Nhiều chị em bị chồng bạo hành được trợ giúp kịp thời.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm, ngoài các mô hình thiết thực do các cấp hội LHPN triển khai, trên địa bàn huyện duy trì hoạt động thường xuyên 35 "địa chỉ tin cậy" ở 35 thôn. Các xã cũng đã thiết lập "đường dây nóng" để tiếp nhận thông tin BLGĐ. Các "địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng không chỉ là nơi giúp đỡ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ, mà còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ, làm thay đổi nhận thức và hành vi nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.  
 

Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng

 
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, trong giai đoạn 2009 - 2021, cả nước đã phát hiện 324.641 vụ BLGĐ. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ BLGĐ gây chấn động dư luận xã hội. Tại Quảng Ngãi, hơn 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra hơn 5.000 vụ BLGĐ, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 vụ ly hôn, trong đó gần 60% vụ có nguyên nhân từ BLGĐ. Hành vi BLGĐ không chỉ giữa vợ chồng mà còn diễn ra giữa cha mẹ và con cái.
 
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống BLGĐ đến năm 2025 nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng trong công tác này. Mục tiêu là đến năm 2025 đạt 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống BLGĐ; 95% người bị BLGĐ khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe; có trên 70% người nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó...
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 114/173 xã, phường, thị trấn triển khai các mô hình “Gia đình phát triển bền vững”, "Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình"... Có 16 CLB “Thanh niên với pháp luật”, 7 CLB “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Phụ nữ với pháp luật”. Các địa phương trong tỉnh duy trì thực hiện 549 "địa chỉ tin cậy", 300 "đường dây nóng" tại cộng đồng nhằm kịp thời trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 

.