Cơ hội Việt Nam trở thành cường quốc về AI

14:19, 26/04/2024
.

Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030; doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển và mở rộng quan hệ với đối tác hàng đầu thế giới nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào đời sống. Việt Nam đang tiến xa hơn trên bản đồ AI thế giới.

AI Nation là mục tiêu theo đuổi của nhiều quốc gia hiện nay
AI Nation là mục tiêu theo đuổi của nhiều quốc gia hiện nay

AI Nation - Cuộc chạy đua toàn cầu

Không chỉ là xu hướng công nghệ, AI đã trở thành cuộc chạy đua khốc liệt, khi mọi quốc gia đều đặt mục tiêu trở thành AI Nation - siêu cường về AI. Theo nghiên cứu của InvesGlass, Mỹ hiện giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua này khi là "cái nôi" của Google, Facebook hay Microsoft. Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án sáp nhập, mua lại công ty để tiếp tục củng cố chỗ đứng trong ngành.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiến hành xây dựng và củng cố năng lực AI cho toàn khu vực, thông qua việc khởi động sáng kiến "AI cho châu Âu" từ năm 2019. Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp một nền tảng chung giúp đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia thành viên. 

Khu vực Trung Đông gần đây cũng nóng lên với cuộc cạnh tranh AI gay gắt giữa Saudi Arabia và UAE, hai "ông lớn" ngành dầu mỏ. Với chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, Saudi cũng đã thành lập các trung tâm nghiên cứu lớn với các bộ chuyên trách về AI, đồng thời sản xuất các mô hình ngôn ngữ lớn tương tự như ChatGPT của OpenAI. Điều này cũng đang diễn ra tương tự tại UAE khi quốc gia này đang nỗ lực tích trữ hàng nghìn chip tùy chỉnh.

Tại châu Á, Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua này, với định hướng tập trung phát triển AI của Chính phủ, cùng sự đầu tư nghiên cứu tích cực của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Alibaba, Baidu và Tencent.

Nhật Bản gần đây cũng đã đẩy mạnh cuộc chơi với sáng kiến "Xã hội 5.0" kết hợp các yếu tố AI. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tuyên bố phân bổ nguồn ngân sách khổng lồ cho mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực này.

Không nằm ngoài cuộc đua, Việt Nam đã sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước dẫn đầu về AI trong khu vực ASEAN vào năm 2025, xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực.

Chỉ sau hơn 2 năm, vị trí của Việt Nam đã tăng từ 62/181 lên 59/193 quốc gia và vượt qua Philippines để đứng thứ 5/10 tại khu vực ASEAN, theo báo cáo "Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ 2023" của Oxford Insights. Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 54,48, đánh dấu 3 năm liên tiếp vượt ngưỡng trung bình của thế giới.

Phó chủ tịch Nvidia Keith Strier khẳng định tiềm năng trở thành Cường quốc AI của Việt Nam - Ảnh: VGP/H
Phó chủ tịch Nvidia Keith Strier khẳng định tiềm năng trở thành Cường quốc AI của Việt Nam - Ảnh: VGP/H

Cơ hội bứt phá cho Việt Nam

Theo báo cáo của Oxford Insights, Việt Nam là một trong những khu vực có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ bởi dân số trẻ (với 67,5% dân số trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi), có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.

Bên cạnh lợi thế nhân lực cùng sự đầu tư của Chính phủ, sự tham gia của các công ty công nghệ hoặc có thế mạnh về công nghệ cũng tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công AI trong đời sống hàng ngày tại Việt Nam. Trong đó, các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, FPT, Viettel, VinGroup… đều đang mạnh tay đầu tư cho AI khi thành lập công ty nghiên cứu riêng về AI, ra mắt trợ lý AI "Make in Vietnam", xây dựng nền tảng AI Chat…

Mới đây nhất, FPT đã ký kết hợp tác chiến lược với NVIDIA - Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới - để thành lập nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) phục vụ nghiên cứu phát triển AI có chủ quyền tại Việt Nam.

Nhà máy này bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA, qua đó cung cấp dịch vụ đám mây GPU, giúp doanh nghiệp trên toàn cầu tiếp cận với nguồn lực cốt lõi nhất để nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI).

Chia sẻ về lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, đại diện NVIDIA cho biết, yếu tố số một dẫn đến thành công là con người và văn hóa. "Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với văn hóa cam kết cùng khả năng lãnh đạo và trách nhiệm với tương lai của chính mình… Chúng tôi nhận ra tiềm năng của Việt Nam và mong muốn biến tiềm năng ấy thành giá trị khổng lồ".

Theo ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn NVIDIA, nếu chuyển đổi 1% dân số làm công nghệ thông tin hiện tại ở Việt Nam sang lực lượng lao động về AI thì Việt Nam có thể sớm vươn tới vị trí hàng đầu về AI toàn cầu.

Thông qua hợp tác này, FPT đang "đặt cược" tương lai với NVIDIA để thay đổi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, hợp tác cũng đánh dấu bước tiến quan trọng khi doanh nghiệp Việt bắt tay cùng các tập đoàn AI hàng đầu thế giới nhằm nghiên cứu, đẩy mạnh nền tảng, đưa Việt Nam tiến nhanh hơn trên đường đua AI toàn cầu.

Theo Chinhphu.vn

   

Xuất bản lúc: 14:19, 26/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.