KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ TRUNG THÀNH (14/4/1924 - 14/4/2024)

Người chiến sĩ cộng sản trung kiên

21:27, 13/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở Khu ủy Khu 5, đồng chí Võ Trung Thành luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách và giành thắng lợi cuối cùng...

Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng

Đồng chí Võ Trung Thành, bí danh Năm Vinh, sinh ngày 14/4/1924 tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng thuộc thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Sinh ra trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ khi 16 tuổi. Năm 1941, bị giặc lùng bắt, đồng chí phải bỏ học ở Huế vào Lâm Đồng làm công nhân đường sắt tại TP.Đà Lạt. Năm 1944, đồng chí trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Đoàn viên, thanh niên xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) dâng hương tưởng nhớ đồng chí Võ Trung Thành.          Ảnh: THANH THUẬN
Đoàn viên, thanh niên xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) dâng hương tưởng nhớ đồng chí Võ Trung Thành. Ảnh: THANH THUẬN

Cuối năm 1944, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tham gia Mặt trận Việt Minh và phong trào kháng Nhật cứu nước. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí tham gia giành chính quyền tại huyện Đức Phổ. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí làm Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Huyện ủy viên Huyện ủy Đức Phổ, Bí thư Chi bộ cơ quan. Tháng 1/1948, đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư, sau đó giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đức Phổ. Trong thời gian này, cùng với Đảng bộ huyện, đồng chí đã lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang, lao động sản xuất và phát triển văn hóa - giáo dục, đồng thời tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cuối năm 1949, đồng chí được phân công lên Kon Tum, giữ chức vụ Phó Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh. Khi 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai sáp nhập (tháng 3/1950), đồng chí Võ Trung Thành giữ chức Ủy viên Thường vụ Ban cán sự Đảng tỉnh, phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tháng 5/1951, đồng chí được cấp trên điều động lên công tác ở Văn phòng Khu ủy Khu 5. Ít lâu sau, tháng 11/1952, đồng chí được điều về Tỉnh ủy Gia Lai, giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, cho đến khi sáp nhập Tỉnh ủy Gia Lai với Trung đoàn 120 thì giữ chức Chủ nhiệm Chính trị.
Ghi nhận xứng đáng những công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Võ Trung Thành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã 2 lần tặng thưởng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác. Đồng chí mất vào ngày 12/7/1982 tại TP.Hà Nội.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí được phân công ở lại miền Nam công tác với chức danh là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đến tháng 12/1954 là Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành liên Tỉnh ủy 4 (gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc). Từ năm 1967 - 1968, đồng chí được điều về lại Gia Lai làm Bí thư Tỉnh ủy, tăng cường chỉ đạo chiến trường Gia Lai trong việc chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Trong thời kỳ này, chiến trường Gia Lai rất ác liệt. Mỹ - ngụy ra sức đánh phá, càn quét ra vùng giải phóng và căn cứ của ta khiến tình hình trở nên hết sức phức tạp. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững, khí thế cách mạng của nhân dân không hề suy giảm. Vì vậy, cuộc vận động chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân được nhân dân đồng tình ủng hộ và giành được những thắng lợi to lớn, làm tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo

Cầm trên tay ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đóng bằng khung sắt có tuổi đời gần 50 năm, ông Võ Trung Cường, người cháu họ của đồng chí Võ Trung Thành kể, sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông Năm (đồng chí Võ Trung Thành) có chuyến về thăm nhà. Năm đó tôi 16 tuổi nên nhớ rất rõ. Và hầu như năm nào ông cũng về thăm quê. Mỗi lần ông Năm về là tập hợp con cháu trong gia đình và cả người dân trong xóm để hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của từng gia đình. Ông rất thương con cháu, sống nghĩa tình với nhân dân nên ai cũng quý mến. Lần ông về sau ngày giải phóng, ông mang rất nhiều Huy hiệu đoàn và Huy hiệu búp măng non. Đối với chúng tôi ngày đó thì những chiếc Huy hiệu này không bao giờ thấy được ở ngoài bởi vì đất nước chúng ta mới giải phóng, chỉ có những cá nhân xuất sắc, thành tích nổi trội mới có được. Khi ông hỏi thăm hết tất cả con cháu trong gia đình rồi đến những thanh niên, trẻ em ở xóm, ai có thành tích học tập tốt thì ông tặng, nếu thanh niên thì ông tặng Huy hiệu đoàn, nếu trẻ em thì ông tặng Huy hiệu búp măng non, xem đó như là phần thưởng của ông. Việc làm này được thực hiện mỗi lần ông về thăm gia đình với mục đích khuyến khích, động viên con cháu cố gắng học hành, sau này giúp ích cho xã hội, phục vụ đất nước. 

Ông Võ Trung Cường kể về bức ảnh Bác Hồ được đồng chí Võ Trung Thành tặng cho gia đình.				      Ảnh: THANH THUẬN
Ông Võ Trung Cường kể về bức ảnh Bác Hồ được đồng chí Võ Trung Thành tặng cho gia đình.   

“Nhớ nhất vẫn là lần ông Năm tặng ảnh chân dung Bác Hồ được làm bằng vải. Sau giải phóng 2 - 3 năm gì đó, ông về và mang rất nhiều ảnh Bác như thế này và đi tặng cho tất cả các gia đình trong xóm. Thời điểm này, ảnh Bác rất hiếm. Ông dặn các gia đình phải treo nơi trang trọng nhất và phải tưởng nhớ đến Bác Hồ. Gần 50 năm qua, dù khung hình đã gỉ sắt nhưng tôi vẫn giữ gìn ảnh Bác như một kỷ vật”, ông Cường chia sẻ.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Trung Thành là một trang sử vàng thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, là khát vọng cống hiến, là lý tưởng, là niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo, của gia đình và của nhân dân TX.Đức Phổ nói chung, xã Phổ Cường nói riêng. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Nguyễn Văn Nam cho biết, địa phương rất vinh dự và tự hào khi có đến hai đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Nghĩa Bình là đồng chí Phạm Xuân Hòa và đồng chí Võ Trung Thành. Trong thời kỳ chống Pháp, Phổ Cường là xã kiểu mẫu của Liên khu 5 và trong thời kỳ chống Mỹ là một trong những xã đầu tiên của Quảng Ngãi được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng. Để xứng đáng với niềm tự hào đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phổ Cường đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là tập trung nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Địa phương sẽ tiếp nối, giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, tấm gương sáng của các bậc lão thành cách mạng, ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:27, 13/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.