Xuân và Tết trong mắt thi nhân

11:02, 01/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một sớm mở cửa, thấy vài tia nắng len lỏi qua màu mây xám. Ngoài kia gió bấc không còn thổi rét đến run người, ấy là lúc mùa xuân dạm ngõ...
 
Nắng ấm lên rồi, chờ gì nữa mà không thắng bộ áo dài khăn đóng, theo chân Đoàn Văn Cừ ghé vào phiên chợ Tết?
 
Có lẽ, để hình dung về phong vị Tết xưa, ta nhớ đến Đoàn Văn Cừ, người vẽ bức tranh Tết xưa sinh động nhất. 
 
Một cái Tết ấm cúng không thể thiếu sự song hành của không khí tâm linh và phẩm lễ đủ đầy. Những "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" ấy đều hình thành từ một phiên chợ Tết: "Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau/ Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản/ Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ..." (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ).
 
Khác với cái Tết chân phương thực cảnh của Đoàn Văn Cừ, Tết trong thơ Nguyễn Bính chỉ phảng phất đôi nét tượng trưng. Ông cho qua nhẹ nhàng để dồn hết tâm tình vào mùa xuân sau nó. Trong thơ Nguyễn Bính, mùa xuân là thanh điệu của đất trời phổ vào cõi nhân gian này. Và, quãng rung ngân vang, tha thiết nhất chính là nơi có đôi lứa yêu nhau. Nàng xuân không nhất thiết hiển ngự chốn nắng vàng hoa thắm mà đôi lúc giản dị đậu về dải thắt lưng xanh cô thôn nữ sau lũy tre làng: "Cuối lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu bằng chiếc thắt lưng xanh...".
 
Với Nguyễn Bính, mùa xuân còn là mùa tình tự. Ông như một chứng nhân ghi lại những trang tình sử chân quê. Từ con đò neo bến vắng, từ bờ đê cỏ phủ mượt mà đến tiếng trống thôi thúc của hội chèo làng Đặng, Nguyễn Bính đều nghe ra nhịp chân nô nức nam thanh nữ tú tìm nhau cho buổi hẹn hò. "Vũ trụ vạn vật đồng nhất thể", lòng người vui nên cả cơn mưa cũng hớn hở chọn rơi ngày lễ hội: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ...".
 
Trong thơ Nguyễn Bính, hội chèo làng Đặng hay lễ hội Đạp Thanh chung một nội hàm. Đều đóng vai trò sứ giả, đều là vườn Thúy gieo những cuộc kỳ ngộ duyên tình dưới cơn mưa xuân thỏa hiệp. 
 
Không hẳn lúc nào tình yêu trong thơ Nguyễn Bính cũng viên mãn một màu xanh như mùa xuân biểu đạt. Dù rất nâng niu các đôi lứa yêu nhau trong vương quốc mình kiến lập, ông vẫn chẳng thể ngăn chặn các cuộc chia lìa để lại niềm nuối tiếc không riêng hai người trong cuộc. Ba năm ròng rã nơi bến sông đợi bóng tình quân, một ngày buồn cô lái đành lỗi ước. Nguyễn Bính xót xa lắm! Câu thơ ông hắt hiu nỗi bất lực: "Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong/ Cô lái đò xưa đi lấy chồng...". 
 
Tương tự, cô gái của buổi hẹn hò hội chèo làng Đặng rồi cũng về không khi tình lang không tương ngộ. Cô quay bước ra về dưới cơn mưa xuân đã bắt đầu nặng hạt. Bao nhiêu mộng ước lúc cất chân đi, giờ trôi theo cơn mưa ướt nhão quãng đê dài: "Mình em lầm lụi trên đường về/ Có ngắn gì đâu một dải đê". 
 
Dường như, mùa xuân còn là thông điệp Nguyễn Bính gửi đến tuổi xuân. Rằng, hãy níu giữ, cơi nới lấy phút giây hạnh ngộ buổi xuân ngời. Bởi một ngày nào đó, tuổi tác càng cách xa mùa xuân thì cơ duyên trùng phùng càng xa ngái...  "Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây?".
 
LÊ CHỨC VŨ
 

.