Lời tự tình của Hà Quảng

10:06, 28/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tập thơ “Miền khát” của nhà thơ Hà Quảng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào tháng 4/2022. Với lời thơ mộc mạc, gần gũi, tập thơ “Miền khát” đem đến cho bạn đọc cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng.
 

 

Đến nay, nhà thơ Hà Quảng đã xuất bản 5 tập thơ: “Con sóng tình yêu” - Hội VH-NT Quảng Ngãi 2010; “Thao thức” - Nhà xuất bản Văn học 2013, “Mưa hoang” - Nhà xuất bản Văn học 2015, “Hồn quê” - Nhà xuất bản Văn học 2017, “Miền khát” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2022.

Nhà thơ Hà Quảng tên thật là Đoàn Văn Khánh, hiện sống tại xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Anh là hội viên Hội Văn học -Nghệ thuật Quảng Ngãi. Hà Quảng làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những năm tháng dạy học, anh vẫn dành thời gian sáng tác để thỏa đam mê, trải những vui, buồn qua những vần thơ như lời tự tình với chính mình.

 
Tập thơ “Miền khát” có 61 bài thơ, gồm nhiều đề tài khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế. Thơ Hà Quảng nhẹ nhàng đi vào lòng bạn đọc với những câu từ mộc mạc, gần gũi. “Cuộc đời này đẹp quá em ơi!/ Nắng mùa xuân giăng ngoài cửa sổ/ Sân nhà anh chùm hoa xuân đung đưa trong gió/ Ngày Tám tháng Ba vội vã đi về” (Bài thơ tặng em). 
 
Khổ thơ đã thể hiện tấm lòng thành của nhà thơ đối với một người con gái. Hình ảnh người con gái được nhắc đến nhiều trong thơ Hà Quảng, là tiếng lòng da diết nhớ thương. “Tháng Ba nào anh mãi vấn vương/ Hoa gạo đỏ nắng vàng nỗi nhớ/ Tình yêu em cần như hơi thở/ Thời gian luôn dạt dào cảm xúc nhớ thương” (Tháng ba và nỗi nhớ). Tác giả luôn nhớ về kỷ niệm thời áo trắng: “Tà áo em bay trong cuối chiều tĩnh mịch/ Bóng chiều buông về phía bên kia/ Phía bên này hạ về trong nắng/ Trải sắc vàng ngày cũ lênh loang” (Màu áo em). Và rồi, anh ước muốn được quay về tuổi đôi mươi: “Nếu có một ngày trở lại tuổi đôi mươi/ Thời gian trôi qua đong đầy kỷ niệm” (Nếu có một ngày).
 
Thơ Hà Quảng rất mượt, âm vần hòa chung nhịp điệu, chất trữ tình thăng hoa trong ngòi bút. “Em ở tận phương nào/ Vẫn nghe lời ru gió/ Dấu xưa vẫn còn đó/ Khát khao lòng yêu thương” (Lời ru gió). Thơ Hà Quảng thể hiện tình yêu sâu nặng đối với quê hương, khắc ghi bóng dáng của mẹ cha chân lấm tay bùn, tảo tần sớm khuya. “Quảng Ngãi quê anh vùng đất yêu thương/ Những chiều vàng nắng phơi/…Con sông quê hương gắn cuộc đời anh/ Cha mẹ nuôi anh bằng phù sa dòng sông ấy/ Hãy về với anh rồi em sẽ thấy/ Tình đất tình người hiền hậu thủy chung” (Quảng Ngãi quê anh). “Em có về thăm Quảng Ngãi yêu thương?/ Thăm mái nhà xưa khi mùa xuân tới/ Cảnh vật xung quanh ngời lên sắc mới/ Gởi nhớ thương đỉnh Thiên Ấn sương mờ” (Quảng Ngãi yêu thương).
 
Thơ Hà Quảng là thơ tâm trạng, trăn trở trước cuộc sống. Tác giả viết theo mạch chảy cảm xúc rất tự nhiên nên có sức hút đối với bạn đọc: “Em hãy đọc những dòng thơ Bích Khê/ Chàng để lại cho đời những câu thơ vào bậc nhất/ Thời gian trôi qua chẳng hề bị mất/ Tinh túy cuộc đời gạn lọc thành thơ” (Thăm vườn thơ Bích Khê).
 
Cái nhìn tâm trạng và cảm xúc của Hà Quảng hướng về sự tương tác, giao thoa giữa tâm hồn con người và thiên nhiên. “Đâu phải mùa thu mới vàng sắc lá/ Ngày gặp em trời ban mai ửng đỏ/ Mà lòng anh còn bao điều chưa tỏ/ Anh yêu em lá khô úa lâu rồi/…Ở nơi xa em có nghe tiếng gọi/ Cõi lòng anh là cả thu vàng/ Bầu trời thu dài rộng mênh mông/ Anh thầm gọi những gì yêu thương nhất” (Mùa thu vàng lá).      
 
Trên hành trình sáng tạo thơ, Hà Quảng luôn khám phá thế giới nội tâm của chính mình, đồng thời tạo dựng hệ thống ngôn ngữ, hình tượng thơ hướng đến mối giao hòa với sự vật, thiên nhiên: “Những vần thơ như mạch nguồn lòng đất/ Làng quê em ngọt nước dừa xiêm/ Dòng kênh rạch miệt vườn xanh mát/ Đong đầy nỗi khát khao anh đi tìm” (Những điều muốn nói). Hằng ngày, Hà Quảng vẫn âm thầm theo đuổi niềm đam mê, sáng tạo nên những câu thơ lay động lòng người. “Câu thơ nào lặng yên/ Chiều nay ngàn sóng vỗ/ Con thuyền tìm bến đỗ/ Trào nỗi nhớ niềm thương” (Miền khát). Tập thơ “Miền khát” vẫn giữ được chất riêng của Hà Quảng, có nhiều tìm tòi, sáng tạo; vẫn lắng đọng qua từng câu thơ chan chứa mạch nguồn cảm xúc!
 
PHẠM VĂN HOANH
 
 

.