Thỏa đam mê, lại hái ra tiền

10:04, 01/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chăm sóc, tạo hình cây cảnh không chỉ là thú vui, mà còn là nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều người. Khách hàng mua cây cảnh thuộc hàng "khó tính" nên người kinh doanh cây cảnh phải nắm bắt nhu cầu, có sự đổi mới, sáng tạo để hút khách. 
[links()]
 
Sáng tạo để có dáng cây đẹp 
 
Chiều cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi sau những giờ làm việc, ông Nguyễn Phương Uyên (51 tuổi), ở đường Tô Hiến Thành, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), lại dành thời gian tỉ mẩn chăm sóc, tỉa cành, vào đất cho cây cảnh. Ông Uyên chia sẻ, chăm cây cảnh phải đam mê và sáng tạo để tạo nên những thế cây đẹp, không trùng lắp.  Đã xác định gắn bó với nghề, phải dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc tỉ mẩn từng chậu cây cảnh.   
Ông Nguyễn Phương Uyên, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), dành nhiều thời gian, tỉ mỉ tạo dáng để có tác phẩm bonsai đẹp. Ảnh: Bảo hòa
Ông Nguyễn Phương Uyên, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), dành nhiều thời gian, tỉ mỉ tạo dáng để có tác phẩm bonsai đẹp. Ảnh: Bảo hòa
Không đơn giản để tạo nên thế cây ưng ý. Năm 2016, sau khi mua một cây duối mọc ở ven núi, ông Uyên đã chăm sóc, tạo dáng cây duối trở thành tác phẩm độc đáo với hình dáng con cua có chiếc mai to và hai càng hai bên khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ. Để tạo nên cây cảnh có hình con cua, ông Uyên đã kiên trì chăm sóc, tạo hình dáng và nâng niu tác phẩm bonsai này trong suốt 6 năm. 
 
Trong số những tác phẩm bonsai của mình, ông Uyên tâm đắc với cây ngọa tùng, mua từ xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Ban đầu là một cây tùng có hình dáng xù xì, trồng trong chậu xi măng cũ kỹ. Ông đã khéo léo sửa, tạo dáng lại và phối hợp thêm vào một khúc gỗ, tạo thành tác phẩm đặc sắc và mang đi dự thi bonsai Châu Á - Thái Bình Dương. 
 
Bên cạnh sáng tạo các dáng cây, ông Uyên còn tạo nên nhiều mẫu chậu trồng cây bonsai từ các vật dụng tưởng chừng bỏ đi như đồ gốm cũ, bình đựng rượu cần, chum bể... Các chậu cây của ông được nhiều người yêu thích và chọn mua. Nhiều cây cảnh được tạo dáng đẹp như vũ điệu rồng bay, thác đổ, hoặc cây khô cằn nhưng chồi non vẫn nảy lộc... “Từ thế cây, tôi nghiên cứu tạo ra chiếc chậu phù hợp. Cây, chậu, đôn kết hợp với nhau góp phần nâng cao giá trị của tác phẩm nghệ thuật bonsai”, ông Uyên chia sẻ.
 
Nghề chơi, thu nhập thật
 
Ban đầu từ thú vui chơi cây cảnh, ông Nguyễn Hữu Trung (44 tuổi), ở tổ 6, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đã học hỏi nhiều nghệ nhân để phát triển nghề chăm sóc, tạo hình cây cảnh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, ông Trung sở hữu nhiều cây cảnh có giá trị. Trong đó, có những loại cây dân dã, quen thuộc như khế, lê ki ma, dương liễu... được ông chăm sóc, tạo thành dáng độc lạ. Lúc đầu, cây lê ki ma được ông Trung mua với giá 8 triệu đồng. Sau 3 năm qua bàn tay chăm sóc của ông Trung, cây lê ki ma có thế lạ được khách hàng hỏi mua với giá 65 triệu đồng. Nhiều cây cảnh do ông Trung chăm sóc, tạo hình được khách hàng ưa chuộng, trong đó nhiều cây có giá hàng trăm triệu đồng.
 
Cây duối được ông Nguyễn Phương Uyên tạo dáng hình con cua. Ảnh: B.Hòa
Cây duối được ông Nguyễn Phương Uyên tạo dáng hình con cua. Ảnh: B.Hòa
Từ kinh nghiệm, mô hình làm kinh tế của ông Trung, Hội Nông dân phường Chánh Lộ đã kết nối để ông Trung hướng dẫn nhiều hộ trồng hoa kiểng trên địa bàn phường cách chăm sóc, kỹ thuật sửa dáng để cây đẹp, có giá trị kinh tế cao hơn. 
 
Bên cạnh thú vui tao nhã, thỏa mãn niềm đam mê, nghề chăm sóc cây cảnh còn mang đến cho nhiều người nguồn thu nhập ổn định. Những người làm nghề sinh vật cảnh ở các địa phương trong tỉnh đã không ngừng học hỏi, nhất là tham gia hoạt động trưng bày sinh vật cảnh để nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
 
BẢO HÒA
 
 
 
 

.