Nông dân vùng cao vào hợp tác xã

06:03, 28/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ khi Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long (Sơn Tây) đi vào hoạt động đã tập hợp được nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong tham gia, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
[links()]
 
Mô hình trồng sâm đương quy được huyện Sơn Tây triển khai thí điểm tại xã Sơn Long, với 2 hộ dân tham gia trên diện tích khoảng 0,5ha. Sau một thời gian xuống giống, đến nay cây đương quy đã phát triển xanh tốt. Thấy được tiềm năng từ sâm đương quy, huyện Sơn Tây nhân rộng mô hình này lên 1ha từ sự hỗ trợ của Sở KH&CN.
 
Các thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long tham gia mô hình trồng sâm đương quy.
Các thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long tham gia mô hình trồng sâm đương quy.
Các thành viên của HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long tham gia trồng sâm đương quy được cấp cây giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật. Anh Đinh Văn Y, thành viên của HTX chia sẻ, sau thời gian ươm giống khoảng 4 tháng, sâm đương quy được đưa vào trồng. Đương quy là loại sâm dễ trồng, dễ chăm sóc, tùy theo chất đất tốt hay xấu, mà thời gian thu hoạch dao động từ 18 - 24 tháng.
 
Một trong những cây trồng chủ lực của HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long chính là cây bưởi. Tuy nhiên, để lấy ngắn nuôi dài, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và liên tục, người dân đã trồng ổi xen bưởi. “Tôi đang chuẩn bị trồng 400 gốc ổi lê trồng xen kẽ với cây bưởi. Từ ngày chuyển gần 2ha đất trồng keo, mì sang trồng cây ăn quả, tôi thường xuyên ra vườn nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc cây. Nhìn vườn bưởi đang cho quả, tôi rất vui”, anh Đinh Văn Siêng bày tỏ.
 
Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long được thành lập vào tháng 8/2020, hiện có 18 thành viên, trong đó chủ yếu là người dân tộc Ca Dong. Hợp tác xã đã hướng dẫn các thành viên tham gia sản xuất, chăn nuôi theo từng nhóm hộ. Theo đó, những gia đình không có đất sẽ tập trung chăn nuôi heo ky, thỏ. Đối với những hộ có điều kiện đất đai sẽ trồng cây ăn quả.
 
Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long Đinh Văn Thức cho biết, hiện HTX có 3 thành viên chuyên nuôi heo ky, với số lượng đàn duy trì từ 450 - 500 con, cung cấp heo thịt và heo con giống ra thị trường quanh năm; 6 hộ nuôi thỏ, với số lượng thỏ hiện có khoảng 300 con. Những thành viên còn lại trong HTX tham gia mô hình trồng cây ăn quả. Đến thời điểm này, 10ha bưởi và gần 1ha ổi của HTX đã cho quả vụ đầu tiên.
 
Bên cạnh đó, HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long còn làm nhiều dịch vụ khác như sản xuất giống cây ớt xiêm rừng, cung cấp nhiều giống cây ăn quả chất lượng. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, các hộ dân tham gia vào HTX đã được hướng dẫn kỹ thuật, cũng như học hỏi kiến thức lẫn nhau. Từ đó thúc đẩy tinh thần thi đua sản xuất, liên kết cùng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, nhất là đồng bào Ca Dong. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục định hướng thành lập HTX nông nghiệp ở một số xã khác trên địa bàn. 
 
          Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.