Hàng quán, tiểu thương "khóc ròng" vì ế ẩm

02:09, 13/09/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Sau hơn 2 tuần được phép kinh doanh trở lại sau dịch Covid-19, chủ các cơ sở kinh doanh, hàng quán, tiểu thương chợ truyền thống "khóc ròng" vì ế ẩm, thưa khách.
Hàng quán vắng hoe

Cả trăm quán ăn ở bãi biển Mỹ Khê (TP. Quảng Ngãi) trở nên đìu hiu, vắng lặng. Nếu như trước đây, vào khoảng 17-18 giờ chiều, tại bãi biển Mỹ Khê rất đông du khách đến tắm biển và ăn uống thì thời điểm này rất ít người đến tham quan, du lịch và ăn uống.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, khách không đến biển tham quan du lịch đã đành, giờ dịch đã tạm lắng xuống, hàng quán đã cho phép kinh doanh trở lại nhưng đều trong tình trạng ế ẩm.

Bà Thuận, chủ quán ăn Thuận Đào than thở: “Ế chưa từng thấy. Lượng người đi tắm, đi ăn rất hạn chế vì họ còn sợ dịch. Rồi khi hết dịch thì kinh tế khó khăn, lo tiềncho con trong năm học mới nên họ ít đi thì mình doanh cũng gặp khó khăn”.
 
Hàng  quán ở bai biển Mỹ Khê vắng hoe.
Hàng quán ở bai biển Mỹ Khê vắng hoe.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các quán ăn, nhà hàng gần nửa tháng nay vắng khách đến ăn uống. Khu nhà hàng, quán nhậu trên đường Phan Bội Châu trước đây khách ra vào tấp nập hiện cũng rơi vào cảnh vắng vẻ, lượng bàn trống chiếm đa số. Nhiều chủ quán đã phá sản, trả mặt bằng thuê.

Một chủ quán trên đường Phan Bội Châu cho hay, mấy hôm nay anh ngồi trên đống lửa vì quán của anh đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Tiền thuê mặt bằng là 30 triệu đồng/tháng, thuê nhân viên và chi phí khác vị chi mỗi tháng anh phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng, chưa kể tiền đầu tư nhưng chưa thu được bao nhiêu thì đóng cửa vì dịch.

Trước thời điểm xảy ra dịch, quán anh lúc nào cũng kín khách. Từ sau khi hoạt động trở lại, mấy ngày đầu vắng khách đã đành nay đến 2 tuần vẫn ế ẩm. Thậm chí cả chiều đến đêm chỉ được hai bàn khách.

“Gồng mình trả tiền thuê mặt bằng, trả lương, trả lãi ngân hàng hằng tháng lên đến 60-70 triệu đồng. Quán vắng thế này tôi không biết xoay xở làm sao?” - chủ quán nói như mếu.

Theo các chủ quán, một phần vì người dân vẫn còn ngại ra đường sợ dịch lây lan trở lại, một phần vì kinh tế khó khăn nên nhiều người hạn chế ra đường ăn uống, chi tiêu. Dù kinh doanh ế ẩm nhưng chủ quán vẫn mở cửa kinh doanh, cầm cự hoạt động giữ khách quen và trả tiền cho nhân viên phục vụ.

Chợ truyền thống điêu đứng

Chưa có năm nào tình hình kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi lại ế ẩm như năm nay. Trải qua 2 đợt dịch Covid-19, nhiều tiểu thương đã đóng cửa sạp, rao bán lô, sạp để lấy tiền trả nợ.
 
Hàng loạt lô, sạp ở chợ Quảng Ngãi đóng cửa, rao bán.
Hàng loạt lô, sạp ở chợ Quảng Ngãi đóng cửa, rao bán.
 
Đã hơn 30 năm bán vải ở chợ Quảng Ngãi, chưa có năm nào bà Tâm, một tiểu thương bán vải ngồi bó gối như năm nay. Suốt cả tuần không có lấy một vị khách đến mua mở hàng.

“Chợ ế lắm nên dãy hàng này đóng sạp nghỉ hết. Có người sang sạp luôn. Đợt dịch vừa rồi nó ế thê thảm, rồi giờ dịch tạm lắng xuống lại tiếp tục ế”- bà Tâm nói với vẻ mặt buồn thiu.

Nhiều người vì buôn bán ế ẩm trong thời gian dài dẫn đến thua lỗ, nợ tiền ngân hàng nên đành rao bán lô sạp để trả nợ.

Bà Anh, kinh doanh mặt hàng quần áo kể, lâu nay kế sinh nhai của các thành viên trong gia đình trông chờ vào shop quần áo. Nếu đóng cửa biết lấy gì để sinh sống qua ngày.

“Ngày xưa mỗi ngày bán được năm bảy trăm ngàn, giờ ngày có ngày không. Thôi thì ra chợ bán được đồng nào còn có ít tiền trả nợ, kiếm mắm, kiếm rau chứ ở nhà rồi lấy gì ăn. Tôi đem thêm cái máy may ra làm sửa cái quần cái áo kiếm thêm” - bà Anh nói.

Không chỉ mặt hàng quần áo, vải, mà cả ngành hàng giày dép, mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, trái cây… đều ở trong tình cảnh tương tự.

Một phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một phần vì chịu sự cạnh tranh của việc buôn bán online nên việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi càng ngày càng gặp khó. Mặc dù vậy nhiều người vẫn gắng cầm cự buôn bán với hy vọng sau đợt này sẽ khả quan hơn.
 
Bài, ảnh: C.P

.