Nguồn nước cạn kiệt, thủy điện gặp khó

09:03, 11/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đầu mùa khô, nhưng lượng nước ở các hồ chứa suy giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà máy thủy điện tại Quảng Ngãi phải hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nhà máy ngừng hoạt động, do không đủ nước. 
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án thủy điện đã đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất hơn 230MW. Liên tiếp 2 năm qua, lượng mưa ít, dẫn đến nguồn nước phục vụ phát điện suy giảm nghiêm trọng. Năm nay, dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng nhiều nhà máy thủy điện chỉ hoạt động bình quân 30% công suất thiết kế. 
 
Mực nước hồ chứa Thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) hiện đã xuống rất thấp.
Mực nước hồ chứa Thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) hiện đã xuống rất thấp.
 
Nhà máy Thủy điện Sơn Tây có công suất thiết kế 18MW, bao gồm 2 tổ máy phát điện, lượng điện trung bình sản xuất 70 triệu kWh/năm. Do thời tiết khô hạn, công suất phát điện đã giảm mạnh ngay từ sau tết Nguyên đán. Với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo sản lượng điện của nhà máy trong năm nay giảm từ 60 - 70%.
 
Kỹ sư Nguyễn Đăng Hinh, Phòng Quản lý cơ điện - Nhà máy Thủy điện Sơn Tây, cho biết: "Do thời tiết nắng nóng, lưu lượng nước trung bình về hồ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhà máy chỉ phát 1 tổ máy, nhưng cũng chỉ được 5 giờ/ngày. Có hôm chỉ phát được vài giờ, sản lượng điện hòa lưới không đáng kể".
 
Đối với Nhà máy Thủy điện Đăkđrinh - thủy điện lớn nhất Quảng Ngãi hiện nay, tháng 1.2020 phải ngừng phát điện, vì không đảm bảo nguồn nước. Tháng 2 vừa qua, nhà máy phát điện chỉ khoảng 50% công suất. Còn những ngày đầu tháng 3 này, công suất hoạt động chỉ khoảng 30%. Với tổng công suất thiết kế 125MW, mỗi năm thủy điện Đăkđrinh sẽ đóng góp cho nguồn điện lưới quốc gia 541 triệu kWh. 
 
"Dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài, các nhà máy thủy điện sẽ phải cắt giảm công suất hoạt động. Nguồn cung từ thủy điện giảm, trong khi nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng. Vì thế, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển đang là thách thức lớn".
 
Giám đốc Sở Công thương VÕ ĐÌNH TRÀ

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, do lượng nước về  hồ chứa giảm, nên hiệu suất phát điện của nhà máy liên tục giảm mạnh. Kỹ sư Nguyễn Duy Phong, Phó Quản đốc Phân xưởng vận hành sửa chữa điện - Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh, cho biết: Tháng 1.2020, chỉ tiêu của EVN giao cho nhà máy là 24 triệu kWh, nhưng thực tế không phát được kWh nào. 

Các tháng 2, 3.2020, chỉ tiêu giao đến 26 triệu kWh, nhưng khó lòng đạt được 50%. Lượng nước trong hồ có thể phát điện được, nhưng vì công tác vận hành hồ chứa Đăkđrinh còn phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về đảm bảo nước tưới cho hạ du, nên không thể bất chấp mà vận hành phát điện. Nhà máy thực sự rất khó khăn".

Với Thủy điện Đăkre (Ba Tơ), mặc dù nguồn nước về hồ chứa cao nhất so với các thủy điện khác trong tỉnh, song vẫn gặp khó khăn trong phát điện. Nhà máy được đầu tư với tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng, công suất 60MW, nhưng từ lúc đi vào hoạt động đến nay hiếm khi nào phát điện đạt công suất thiết kế. Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Đăkre chỉ vận hành đạt khoảng 50% công suất thiết kế.
 
Trong khi đó, các Thủy điện Sơn Trà A, B, thì hoạt động đang ở mức cầm chừng. Nguyên nhân là thiết kế theo dạng thủy điện bậc thang, đón nguồn nước từ thủy điện Thượng Kon Tum về và hiện thủy điện này đã chặn dòng, nhưng chưa đi vào vận hành, nên nguồn nước về hồ chứa Thủy điện Sơn Trà  A, B không đáng kể.
 
Còn các thủy điện "siêu nhỏ" như Cà Đú, Sông Riềng, nguồn nước sông, suối cạn kiệt, nên sản lượng điện hòa lưới không đáng kể. Duy chỉ có Thủy điện Hà Nang hiện đang hoạt động ổn định, lượng điện phát đảm bảo bình quân 80% công suất thiết kế. Theo kế hoạch, kết thúc quý I/2020, Quảng Ngãi sẽ có thêm một nhà máy thủy điện đi vào hoạt động là thủy điện Kà Tinh (Trà Bồng). Tuy nhiên, nhà máy này cũng khó tránh khỏi tình trạng phát điện không đạt công suất đề ra.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 
 

.