Phát triển thương mại miền núi:
Chú trọng hạ tầng, nâng tầm nông sản

02:10, 06/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - Những năm qua, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều chính sách phát triển thương mại ở miền núi, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược, nông sản từ vùng cao xuống đồng bằng đã được lưu thông thuận lợi...
Quan tâm đầu tư hạ tầng
 
Hiện tại, trên địa bàn miền núi của tỉnh có 14 chợ, trong đó có 12 chợ đã đi vào hoạt động. Các chợ này được đầu tư từ ngân sách, chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép giữa các chương trình, dự án dành cho miền núi, vùng đồng bào DTTS. Hàng hóa buôn bán tại các chợ đều phù hợp với điều kiện kinh tế, thị hiếu của đồng bào vùng cao, nên sức tiêu thụ khá ổn định. 
 
Việc đầu tư xây dựng chợ ở miền núi được chú trọng đến các tiêu chí về phát triển giao thương vùng miền, đặc biệt là vùng giáp ranh. Vì thế, quy mô chợ được đầu tư khá khang trang, kiến trúc có nét đặc trưng của văn hóa vùng cao.
 
Các huyện Ba Tơ hiện có 3 chợ, Minh Long có 2 chợ, Trà Bồng có 3 chợ; Sơn Hà có 3 chợ và Sơn Tây có 1 chợ đã đưa vào hoạt động kinh doanh... Ngoài ra, tại các huyện còn có mạng lưới các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng xe máy, điện tử và đồ gia dụng... với nhiều mặt hàng đa dạng, thuận lợi cho người dân mua sắm khi có nhu cầu.
Nông sản huyện Sơn Hà tham gia “Phiên chợ hàng Việt” - năm 2019.
Nông sản huyện Sơn Hà tham gia “Phiên chợ hàng Việt” - năm 2019.
Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng Việt chất lượng, đúng giá, Sở Công thương đã triển khai Chương trình "Điểm bán hàng Việt" tại các huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ. Mỗi năm, tỉnh còn triển khai hàng chục chuyến "đưa hàng Việt về miền núi, vùng đồng bào DTTS"; tổ chức nhiều "Phiên chợ hàng Việt"...
 
Nâng tầm thương hiệu cho nông sản
 
Thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản miền núi Quảng Ngãi được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Với lợi thế là sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, những nông sản như ớt xiêm, gà kiến, heo ky, măng rừng, gừng gió, sâm cau... đã được tiêu thụ rất mạnh.
 
Nhiều địa phương đã tổ chức chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho nông sản miền núi. Đơn cử như huyện Sơn Hà, đến nay huyện đã hình thành 5 nhóm hợp tác, với hơn 50 hộ nông dân tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, đưa vào Siêu thị Big C các mặt hàng gà kiến, heo ky, ớt xiêm... với doanh thu hơn 4 tỷ đồng. 
 
Các sản phẩm này đã được tiêu thụ ở 18 siêu thị phía nam và 3 siêu thị miền Trung, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia sản xuất...
 
Từ chỗ các huyện miền núi "trắng" HTX,  những năm gần đây, số lượng HTX được thành lập và đi vào hoạt động khá nhiều, trải đều ở tất cả các huyện miền núi. Các HTX này đã trở thành cầu nối đưa nông sản, đặc sản từ miền núi xuống đồng bằng, đưa vật tư nông nghiệp, máy móc từ đồng bằng lên vùng cao phục vụ sản xuất.
 
Từ đó, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao. Tại các “Phiên chợ hàng Việt” ở vùng cao, hàng hóa đưa đến chợ không chỉ của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, mà còn có nông sản do đồng bào miền núi sản xuất, nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm, đồng thời thăm dò sức tiêu thụ của thị trường để mở rộng sản xuất.
 

Phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi bản địa 

Thời gian qua, Sở KH&CN đã hướng dẫn các địa phương xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở miền núi, như quế Trà Bồng, chè Minh Long, ớt xiêm Sơn Hà; tổ chức nghiên cứu khoanh vùng ớt xiêm Sơn Hà; chọn và nuôi dưỡng giống cây trồng, vật nuôi phục vụ mục tiêu phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế, để tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.