Vươn ra biển lớn

10:01, 30/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 400 năm trước, nhìn ra hòn đảo mờ xa, người Việt ở vùng cửa biển Sa Kỳ (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) đã quyết tâm giong những chiếc thuyền nan ra Cù Lao Ré khai phá, định cư hình thành nên huyện Lý Sơn ngày nay và vươn ra biển lớn. Có lẽ không đâu có một khát vọng biển như người dân ở hòn đảo thiêng liêng này.
[links()]
 
Chinh phục đảo gần bờ
 
Theo truyền thuyết lẫn gia phả của một số tộc họ trên đảo Lý Sơn, 15 ngư dân, nông dân ở vùng cửa biển Sa Kỳ, bằng những chiếc ghe nan, bắt đầu ra khai phá Cù Lao Ré từ thời vua Lê Kính Tông trị vì, nhưng cụ thể vào năm nào thì không biết rõ, trừ gia phả họ Phạm Văn, ghi là vào năm Hoằng Định thứ 9 (1609). Hoằng Định là niên hiệu của vua Lê Kính Tông, từ năm 1601- 1619.
 
Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển. ẢNH: MINH HOÀNG
Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển. ẢNH: MINH HOÀNG
Trong hành trình tìm hiểu, chúng tôi đến nhiều nhà thờ các tộc họ trên hòn đảo xinh đẹp này và may mắn tìm được một đơn xin khai phá đất lâm lộc (đất chân núi), để làm ruộng sơn điền, ở xứ Cù Lao Ré (đã được phê chuẩn) vào ngày 28 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 4 (1604) - một đơn xin bằng Hán văn, hiện còn lưu tại nhà thờ họ Dương làng An Hải. Nhờ đơn xin này mà chúng tôi có thêm một lần củng cố thông tin về mốc thời gian các vị tiên công của xứ Cù Lao Ré, từ vùng cửa biển Sa Kỳ vươn ra đảo gần bờ. Đó chính là lúc người Việt ở vùng cửa biển Sa Kỳ đạt được khát vọng chinh phục đảo gần bờ.
 
Người Việt không dừng lại ở việc khai phá xứ Cù Lao Ré. Ngay sau khi đặt chân đến hòn đảo gần bờ này, để chiếm hữu, khai phá, người Việt ở xứ Cù Lao Ré lẫn người Việt ở làng quê gốc trong vùng cửa biển Sa Kỳ lại bắt đầu dùng những chiếc ghe câu giong buồm ra khơi. Khát vọng đại dương chính thức bắt đầu từ sau thời Hoằng Định.
 
Khát vọng đại dương
 
Nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi chép trong Phủ biên tạp lục, rằng: Vào “thời đầu bản triều” (theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đó là khoảng thời gian trị vì của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, từ năm 1613 - 1635), hằng năm cứ vào tháng 2, họ Nguyễn đã cử 70 binh phu làng An Vĩnh, dùng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, giong buồm ra Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật, cùng vỏ đồi mồi, hải ba, đồ đồng, đồ thiếc, súng, do các tàu chìm bỏ lại... và đến tháng 8 về dâng nộp.
 
Sau này các sách như: Đại Việt sử ký tục biên, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, Việt sử thông giám cương mục và nhiều tài liệu khác đều có ghi tương tự, chỉ khác là thời gian ra Hoàng Sa có khi là tháng 2, nhưng cũng có khi là tháng 3, và không chỉ dân binh làng An Vĩnh, mà còn có dân binh làng An Hải. Hoặc như những ghi chép của Đỗ Bá trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686) về việc chúa Nguyễn cho 18 chiếc thuyền ra Hoàng Sa nhặt vàng bạc; Thích Đại Sán (1633- 1705) trong Hải ngoại ký sự ghi chép về các chúa Nguyễn cho thuyền ra Hoàng Sa tìm vàng bạc, khí cụ và các tài liệu của phương Tây được viết cùng thời, về hoạt động của Đội Hoàng Sa trên đại dương vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII.
 
Không chỉ thời các chúa Nguyễn, Đội Hoàng Sa, sau còn thêm Đội Bắc Hải, vẫn hoạt động liên tục, bền bỉ trên vùng biển Hoàng Sa lẫn Trường Sa cả trong thời Tây Sơn. Trong đơn của phường An Vĩnh trên Cù Lao Ré, xin tách khỏi xã An Vĩnh trên đất liền vào năm 1804, cũng có nói về việc người dân phường An Vĩnh không chỉ đã nộp nhiều loại thuế dầu thơm, các loại mắm, hải sâm, vỏ đồi mồi, vỏ hải ba… mà còn thường xuyên do thám ngoài biển, nếu thấy ác phỉ thì trình báo và coi những việc đó là “bổn phận gìn giữ ngoài biển”.
 
Theo các tài liệu Hán Nôm còn lưu lại trên đảo Lý Sơn, từ năm Thái Đức thứ 9 (1786), thời Tây Sơn, đến năm Gia Long thứ 3 (1804), trên đảo Lý Sơn ít nhất đã có các vị cai quản Đội Hoàng Sa, đó là Cai đội Võ Văn Khiết, Cai đội Nguyễn Văn Giai, Cai đội Nguyễn Thụ, Cai cơ Thủ ngự cửa Sa Kỳ kiêm quản Đội Hoàng Sa Võ Văn Phú.
 
Khẳng định chủ quyền
 
Hai trăm năm sau, dù đã có hàng nghìn người phải hy sinh trên biển, nhưng khát vọng đại dương của người đất đảo Lý Sơn, người vùng biển Sa Kỳ và các nơi khác, chính thức được đền đáp bằng sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816, sau chuyến đi thăm dò, đo đạc đường biển dưới sự chỉ huy của Cai đội Phạm Quang Ảnh, người làng An Vĩnh, Cù Lao Ré, vào năm 1815, 1816; và việc bán 3 thửa đất công ở xứ Hòn Sỏi để có lộ phí cho Đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân ra biển lớn, mà chúng tôi có cơ may tìm thấy trong nhà thờ họ Dương làng An Hải cách đây không lâu. 
 
Những năm sau đó, dưới thời vua Minh Mạng, công việc kế tiếp của thủy quân, của dân binh Cù Lao Ré, cũng như dân binh các nơi khác dọc biển Quảng Ngãi, dọc biển miền Trung, trong Đội Hoàng Sa và Bắc Hải, chỉ còn nhiệm vụ vẽ bản đồ, dựng miếu, trồng cây, dựng bia chủ quyền, bảo vệ vùng biển đảo cũng như tiếp tục khai thác quần đảo Hoàng Sa, lẫn Trường Sa và các hòn đảo khác trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Cai đội Thủy quân Trương Phúc Sĩ (1834), Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện (1838)... cùng với các thủy thủ, hướng dẫn viên, đà công ở Cù Lao Ré như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định và nhiều người khác, đã có nhiều năm liên tiếp ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ của triều đình, lẫn ước nguyện vươn ra biển lớn mà tiền nhân của họ đã trao truyền. “Tờ lệnh” vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834) của quan Bố chánh - Án sát tỉnh Quảng Ngãi cử các binh phu đi Hoàng Sa là một bằng chứng sống động.  Đọc lại các trang sử, các châu bản, lẫn những tài liệu còn lưu trữ trong các dòng họ ở Cù Lao Ré... càng thấy được công lao to lớn của người dân vùng biển đảo miền Trung nói chung, vùng biển đảo Quảng Ngãi, đặc biệt là người dân Cù Lao Ré - Lý Sơn nói riêng.
 
Câu chuyện lịch sử về người Cù Lao Ré vươn ra biển lớn, không chỉ dừng lại thời Minh Mạng, hay Thiệu Trị, Tự Đức... mà còn tiếp tục đến tận ngày nay và mãi mãi về sau. Bằng chứng là ngư dân Lý Sơn, ngư dân dọc biển Quảng Ngãi vẫn luôn khát vọng vươn ra biển lớn, bất chấp mọi hiểm nguy, giữ vững ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa - vùng biển đảo mà thế hệ cha ông đã hy sinh máu xương cho một khát vọng biển, khát vọng đại dương bền bỉ trong suốt 400 năm.
 
TS.NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.