Người mẹ thứ hai của các bé sinh non

08:12, 06/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ sinh thiếu tháng trong những ngày đầu, thậm chí là cả tháng trời không được nằm bên mẹ như bao đứa trẻ bình thường khác. Các cháu phải nằm trong lồng kính, với sự chăm sóc của các y, bác sĩ, điều dưỡng - những “người mẹ” không mang nặng đẻ đau, nhưng đã hồi sinh cuộc đời của các cháu. Đó là câu chuyện về những “người mẹ” đang công tác tại Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh).
 
[links()]
 
Trắng đêm với các bé
 
Đúng 23 giờ đêm. Điều dưỡng Phạm Thị Xuân cùng đồng nghiệp trong Khoa Nhi sơ sinh không thể chợp mắt vì phải theo dõi ca sinh non được phòng sinh chuyển qua. Một bé gái bị suy hô hấp không thở được, nhiễm trùng sau khi sinh non, cân nặng chỉ vỏn vẹn 1kg. Em bé được đưa vào lồng kính, sự sống của bé lúc này đã được trao gửi, nhờ cậy những điều dưỡng đang túc trực ngày đêm tại khoa.
 
Điều dưỡng Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) chăm sóc, nuôi dưỡng em bé sinh non trong lồng kính.
Điều dưỡng Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) chăm sóc, nuôi dưỡng em bé sinh non trong lồng kính.
Điều dưỡng Phạm Thị Xuân chia sẻ, em bé sinh non tháng thường nội tạng chưa phát triển hoàn thiện nên cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng vô cùng kỹ lưỡng, có phòng riêng, lồng ấp đủ điều kiện thông khí bảo đảm. Bác sĩ sẽ thăm khám và điều dưỡng chăm sóc, theo dõi 24/24 giờ. Những đêm không ngủ đối với điều dưỡng, bác sĩ trực tại Khoa Nhi sơ sinh đã trở thành điều bình thường. Điều dưỡng trực phải thức trắng đêm để theo dõi chỉ số trên máy đo SP02 trên người em bé, bất cứ thay đổi nhỏ nào cũng phải xử lý kịp thời.
 
Thay bỉm, tã; nhỏ từng giọt sữa cho bé uống; túc trực bên lồng kính; theo dõi nhịp thở từng phút, từng giờ. Đây đều là những công việc hằng ngày của những điều dưỡng mang trọng trách như một “người mẹ”. Không những vậy, điều dưỡng còn nhắc nhở mẹ nộp sữa đúng giờ để các bé luôn được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, rồi động viên tinh thần những lúc bố mẹ yếu lòng khi nghe tin con trở nặng, xót xa trước những mũi tiêm hay con ngưng thở.
 
Bé càng non tháng thì nguy cơ về bệnh tật và biến chứng càng cao, đồng nghĩa với trách nhiệm của các y, bác sĩ tại Khoa Nhi sơ sinh càng nặng. Bác sĩ Phạm Vân Anh - Trưởng khoa Nhi sơ sinh không thể nào nhớ hết những trường hợp các bé vừa chào đời, bị mắc bệnh lý, biến chứng nặng vì non tháng, không thể cứu chữa hay để lại những di chứng về sau. Không để những trường hợp xấu nhất xảy ra, bác sĩ Vân Anh và những đồng nghiệp luôn sát cánh, cùng đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp.
 
“Tôi nhớ nhất ca sinh non vào năm 2018, em bé chỉ được 730g, tình trạng khi đưa vào khoa rất nguy kịch. Lần đầu tiên, Khoa Nhi sơ sinh nuôi trường hợp nhẹ cân như vậy, bé nằm lồng kính, thở máy 2 tháng. Nhiễm trùng, suy hô hấp, viêm ruột, nguy cơ bị bệnh lý võng mạc... quá nhiều bệnh trong một cơ thể vô cùng nhỏ bé, yếu ớt. Các bác sĩ phải hội chẩn liên tục, lên phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bé. Nhiều lần tưởng không qua được, tôi và đồng nghiệp đã bật khóc vì quá thương con. Nhưng rồi thật may, đến cuối cùng con đã mạnh mẽ vuợt qua và được xuất viện. Không thể diễn tả được niềm vui của tập thể khoa khi ấy”, bác sĩ Vân Anh trải lòng.
 
Nơi trao gửi niềm tin
 
Hai tháng đầu tiên của cuộc đời nằm trong lồng kính hồi sức tại Khoa Nhi sơ sinh, từ một em bé sinh non 27 tuần, cân nặng chỉ 1kg, đến nay, con của sản phụ Lê Hồng Diệu, ở TP.Quảng Ngãi đã được 2,2kg, sức khỏe đã ổn định và được xuất viện. Đón em bé trên tay, vợ chồng chị Diệu không thể giấu được niềm vui vô bờ. Với chị, đây là một hành trình kỳ diệu của cả gia đình mình, từ một em bé non tháng, hơi thở yếu ớt, nhưng nhờ sự chăm sóc, điều trị của các điều dưỡng, bác sĩ, cháu bé đã khỏe mạnh, hồng hào.
 
Bữa tiệc đầy tháng cho bé Bánh Bao được các điều dưỡng chuẩn bị chu đáo, tươm tất.
Bữa tiệc đầy tháng cho bé Bánh Bao được các điều dưỡng chuẩn bị chu đáo, tươm tất.
Chị Diệu hạnh phúc chia sẻ, từ khi sinh con ra, mấy tháng liền gia đình thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện để chăm nuôi bé. Tuy nhiên, người chăm lo cho bé nhiều nhất vẫn là các y, bác sĩ trong khoa. Phòng chăm sóc vô trùng, bé thì lại quá yếu nên gia đình chỉ được vào thăm theo giờ. Các y, bác sĩ lo cho con rất cẩn thận, từ việc dặn mẹ vắt sữa bảo quản để đem vào cho bé, đến việc thay bỉm, lau người cho con. Dù công việc nhiều, nhưng y, bác sĩ ngày đêm theo dõi tình trạng của con, động viên ba mẹ. Nếu không có sự tận tâm của các điều dưỡng, bác sĩ của Khoa Nhi sơ sinh, có lẽ con mình đã không vượt qua được.
 
Đã 5 năm kể từ khi thành lập, Khoa Nhi sơ sinh đã trở thành nơi trao gửi niềm tin, hy vọng và sự sống cho rất nhiều em bé sinh non. Trên trang fanpage của Khoa Nhi sơ sinh luôn ngập tràn những lời cảm ơn chân thành, sự xúc động về tình yêu thương, tận tâm điều trị mà các điều dưỡng, bác sĩ đã dành cho những em bé kém may mắn. Điều này tiếp thêm động lực cho những “người mẹ” của khoa quên đi những vất vả, mệt mỏi. Và với những “người mẹ” ở Khoa Nhi sơ sinh, hạnh phúc nhất là khi trao một em bé khỏe mạnh về với vòng tay yêu thương của gia đình.
 
Hạnh phúc của Bánh Bao
 
Tháng 9 vừa qua, cả Khoa Nhi sơ sinh tất bật chuẩn bị bánh, hoa để tổ chức bữa tiệc đầy tháng cho một trường hơp đặc biệt, đó là một em bé sinh non bị bỏ rơi khi vừa chào đời. Các điều dưỡng trong khoa đặt một cái tên thân thương cho em bé là Bánh Bao. Bánh Bao không chỉ được nuôi dưỡng, điều trị tại khoa, mà còn được những “người mẹ” trong khoa chăm chút cho từng bộ quần áo, bỉm, sữa ngay từ khi chào đời. Cho đến khi về với gia đình mới, Bánh Bao đã trở nên khỏe mạnh, là một em bé hạnh phúc, vì nhận được nhiều yêu thương.
 
Bài, ảnh: BÌNH MINH
 
 
 
 
 
 
 

.