Chuyện những người thu mua phế liệu

08:10, 18/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên các tuyến đường, thỉnh thoảng chúng ta thấy những chiếc xe đạp, xe máy cũ chở đầy đồ phế liệu. Chủ nhân của những chiếc xe ấy luôn chịu thương chịu khó mưu sinh, để xây dựng cuộc sống ổn định, chăm lo cho con cái học hành.
[links()]
                            Vất vả mưu sinh
 
Ngày ngày, chị Lê Thị Nở, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), rong ruổi khắp các tuyến đường ở huyện Trà Bồng, chốc chốc chị lại rao to “ai nhôm nhựa, chai lon gì bán không?”. “Sở dĩ tôi chọn nghề này bởi mình đã lớn tuổi, khó xin vào được các nhà máy. Nghề này lại khá tự do, không bị ràng buộc về thời gian. Làm nghề này, cả ngày tôi lang thang khắp các xóm làng.
 
Bữa trưa tiện gì ăn đấy, hôm thì cái bánh mì, có bữa khá hơn chút thì là hộp cơm bình dân. Trước đây, tôi làm kiếm tiền để nuôi mẹ già, chăm lo cho gia đình, giờ mẹ mất thì dành dụm để mai này có ốm đau, bệnh tật thì có tiền mà xoay xở”, chị Nở tâm sự.
 
Đi được một quãng, bỗng có tiếng gọi “chị Nở” vang lên từ phía bên kia đường của một người quen cần bán các loại thùng giấy, vỏ lon bia... Chị Nở dừng lại, rồi dắt chiếc xe đạp cũ sang đường. Chị bắt đầu phân loại, cân và tính tiền cho người bán. Điều đặc biệt là, người bán này khi có đồ cũ chỉ để dành bán cho chị Nở.
 
Chị Lê Thị Nở, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), bên chiếc xe đạp cũ dùng để đi mua phế liệu của mình.
Chị Lê Thị Nở, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), bên chiếc xe đạp cũ dùng để đi mua phế liệu của mình.
Với dáng người gầy, đôi tay thoăn thoắt, chị Nguyễn Như Mai ở xã Trà Phú (Trà Bồng), xếp gọn thùng giấy lên yên xe máy. “Mỗi ngày, tôi đi hàng chục cây số. Hôm nào may mắn mua đồ cũ thanh lý được nhiều cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, có lúc lại về tay không. Hiện nay, cũng có nhiều người theo nghề mua phế liệu, nên để có đồng lời là không dễ. Giờ còn khỏe, cố gắng đi nhiều, dành dụm để sau này lo cho cuộc sống, nuôi con cái ăn học”, chị Mai chia sẻ.
                        Yêu nghề, nghề chẳng phụ
 
         Hạnh phúc giản đơn

Nghề thu mua phế liệu dù cực nhọc, nhưng có khi lại mang đến những niềm vui khó diễn tả được. “Có những người rất nhiệt tình và lịch sự. Họ gọi mình vào nhà, rồi cho tôi phế liệu luôn chứ không bán. Nhữnglúc ấy, tôi thấy cuộc sống thật đẹp”, chị Nở mỉm cười kể. Còn đôi mắt chị Mai thì ánh lên niềm vui, khi nhắc về con cái. "Trong 10 năm gắn bó với nghề này đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định, nhờ đó mà tôi nuôi con cái ăn học đàng hoàng và các cháu dần trưởng thành", chị Mai khoe.

Có lúc làm ăn thất bại, vợ chồng chị Trần Thị Bình, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) nợ nần chồng chất, không có nhà cửa. Lúc ấy, anh Thanh, chồng chị Bình, ai kêu gì làm đó, còn chị đi mua phế liệu.

Làm ăn đàng hoàng, tính lại vui vẻ, nên nhiều người luôn dành phế liệu để bán cho chị. Chăm chỉ lại tiết kiệm, vợ chồng chị Bình không những trả hết nợ, mà còn mua được miếng đất cất căn nhà để ở.

Hơn chục năm mưu sinh bằng nghề mua phế liệu, giờ đây gia đình chị Bình đã có nhà cửa khang trang. Dù cuộc sống tuy đã ổn định, nhưng hằng ngày, vợ chồng chị Bình vẫn rong ruổi đi mua ve chai. “Làm nghề riết rồi quen, không đi làm thấy chân tay khó chịu lắm. Bây giờ, tôi có nhiều mối quen, nếu có phế liệu cần bán là họ điện thoại cho tôi ngay”, chị Bình bộc bạch.
 
Không riêng chị Bình, nhiều người nghèo khó cũng khấm khá lên nhờ buôn bán phế liệu. Như trường hợp của bà Lê Thị Quỳnh, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Đôi mắt nhìn xa xăm, bà Quỳnh kể về một thời gian khó của vợ chồng bà từ những ngày đầu mới làm nghề này.
 
Mỗi ngày, đi bộ cả chục cây số mua sắt, thép, đồng, bình ắc quy cũ, hư hỏng. Khi tích cóp được ít tiền, bà Quỳnh cùng chồng mua chiếc xe đạp cũ, rong ruổi khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn nơi nào có phế liệu, ắt có bước chân của vợ chồng người mua phế liệu cần mẫn.
 
Sau vài năm, khi đã có chút vốn, vợ chồng bà không phải đi các nơi nữa mà mở "đại lý" tại nhà. Công việc làm ăn cứ thế phát triển. Giờ đây, gia đình bà Quỳnh đã cất được ngôi nhà khang trang, rồi xây nhà xưởng chứa phế liệu. “Từ gian khó, cũng nhờ thu mua phế liệu mà vợ chồng tôi có cuộc sống như ngày hôm nay, con cái được học hành đàng hoàng”, bà Quỳnh bày tỏ.
 
Bài, ảnh: NHẬT VY
 

.