Báo động về ô nhiễm môi trường

08:04, 03/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng.

TIN LIÊN QUAN

Vô tư xả thải ra môi trường
 
Hiện Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất, 2 khu công nghiệp đang hoạt động, 11 cụm công nghiệp, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, KKT, KCN, các làng nghề trong tỉnh thải ra môi trường hàng triệu m3 nước thải. 
 
Chỉ riêng trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, theo thống kê hiện có khoảng 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhưng  chỉ có 229 hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường. Qua thanh tra ở TP.Quảng Ngãi hiện có khoảng 776 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chiếm gần 60% tổng số các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
 
Nhiều bãi biển đẹp ở Quảng Ngãi đã bị biến thành những bãi rác không lồ gây ô nhiễm nặng.
Nhiều bãi biển đẹp ở Quảng Ngãi đã bị biến thành những bãi rác không lồ, gây ô nhiễm nặng.
 
Điều đáng nói là hiện nay một số nơi tại KKT, KCN, làng nghề vẫn chưa hoàn thiện khu xử lý chất thải, nước thải tập trung. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, lén lút xả thải ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nơi đây đang trong tình trạng báo động.
 
Mới đây, ngày 21.3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã bắt quả tang tại Công ty TNHH Tuyết Sương, ở tổ 16, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bàu Giang. Đây là doanh nghiệp chuyên chế biến thủy hải sản với số lượng khá lớn. Thay vì đầu tư hệ thống xử lý nước thải, doanh nghiệp này đã lén đặt ống xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng sông Bàu Giang, khiến dòng sông này bị ô nhiễm nặng. 
 
Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh cũng đã bắt quả tang Công ty cổ phần giấy Thiên Long chuyên sản xuất giấy, ở Cụm Công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây đang  xả nước thải ra môi trường không qua xử lý vượt tiêu chuẩn gấp 10 lần. Lượng nước thải hàng ngày lên đến hàng chục mét khối nước.
 
Ngoài Công ty cổ phần giấy Thiên Long, Phòng Cảnh sát môi trường còn phát hiện phía sau xưởng sản xuất, tái chế nhựa thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trang Khánh Linh, ở Lô B2 – Cụm Công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây, nước thải sản xuất chưa qua xử lý nhưng bơm trực tiếp ra kênh chìm rồi chảy ra suối cầu Kinh. Lưu lượng xả thải khoảng 50m3/ngày.

 

Các làng sản xuất gạch ngói thủ công cũng đang là báo động về ô nhiễm
Các làng sản xuất gạch ngói thủ công cũng đang là điểm báo động về ô nhiễm.
 
Không chỉ Công ty Thiên Long, Công ty Trang Khánh Linh, mà qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường còn phát hiện tại Công ty Cổ phần giấy Hiệp Thành- Chuyên xản xuất giấy, bao bì, tái chế phế liệu tại KCN Tịnh Án Tây cũng đang lén lút xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần ra cầu Dầm, gây ô nhiễm nặng. Doanh nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2007 đến nay, như vậy số nước thải mà doanh nghiệp này thải ra môi trường là rất lớn.
 
Ngoài tình trạng ô nhiễm nặng từ các KKT, KCN, làng nghề thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, các vùng biển cũng đáng báo động. Tại hầu hết các cảng cá như Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Sa Cần, Lý Sơn… cũng đang trong tình trạng báo động vì ô nhiễm. 
 
Ngoài hàng trăm tấn chất thải sinh hoạt của người dân sống ở khu vực xung quanh thải ra đây thì những khu vực này cũng đang gánh chịu những chất thải từ nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động của các tàu cá. Ngoài các cảng cá, thì dọc các bãi biển ở tỉnh ta, hình ảnh dễ thấy nhất là những bãi rác chạy dài hàng cây số… đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Một nỗi lo nữa trong ô nhiễm môi trường ở tỉnh ta hiện nay là ô nhiễm các lò gạch. Hiện các địa phương như thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Mỹ, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa); xã Hành Phước (Nghĩa Hành); xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi), xã Đức Nhuận (Mộ Đức)… cũng đang dẫn đầu về tình trạng gây ô nhiễm môi trường do các lò gạch thủ công ở đây gây ra. 
 
Khó xử lý triệt để
 
Việc phát triển các KKT, KCN, cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên việc phát triển trên chưa hài hòa với bảo vệ môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài và ngày một trầm trọng. 
 
Trước tình hình ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp ở mức báo động, trong những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai một cách quyết liệt. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, hiệu quả các điểm nóng gây bức xúc, các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Theo số liệu mới nhất từ lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Quảng Ngãi, thì từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 803 vụ vi phạm về môi trường, với 106 tổ chức, 843 cá nhân. Đã khởi tố điều tra 45 vụ, với 73 bị can. Xử lý hành chính 502 vụ, 104 tổ chức, 463 cá nhân, phạt trên 3,3 tỷ đồng, đồng thời chuyển cho các cơ quan khác tiếp tục xử lý 254 vụ với 307 đối tượng.
 
Có thể nói, sau sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp đã tích cực cải tạo, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, những vụ phát hiện về vi phạm môi trường thời gian qua cũng chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường đã và đang xảy ra. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như phát hiện để xử lý và ngăn chặn triệt để còn rất nhiều bất cập.

 

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý khá nhiều vụ vi phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình trạng

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý khá nhiều vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng xả thải của các doanh nghiệp ra môi trường vẫn diễn ra.

 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, thì một trong những nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đó là do cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực. Phần lớn các vụ liên quan đến vi phạm môi trường đều xảy ra ở cơ sở, thế nhưng đến nay cán bộ chuyên trách môi trường ở xã, phường, thị trấn lại chưa có.
 
Một thực tế nữa là lâu nay, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, tuy nhiên công tác thẩm định hồ sơ báo cáo tác động môi trường còn xem nhẹ. Bên cạnh đó, công tác thẩm định hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường ở hầu hết các địa phương chưa có chất lượng và việc hậu thẩm định bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cũng chưa được chú trọng. 
 
Một bất cập nữa là thời gian qua, việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Mức xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm hiện nay vẫn còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Trong khi ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế thì công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường thời gian qua còn khá yếu…
 
Chính vì vậy để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tại KKT, KCN, cụm công nghiệp. Các cơ quan chức năng tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.