Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc (kỳ 1)

06:07, 26/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Bảy, trong trái tim của mỗi người dân đất Việt lắng đọng cảm xúc bùi ngùi, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các chiến sĩ cách mạng đã lên đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hàng triệu người đã anh dũng hy sinh, hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hàng trăm nghìn chiến sĩ đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường... Thế hệ hôm nay và mai sau mãi tự hào, biết ơn các thương binh - liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đã cống hiến, hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc.
 
[links()]
 
Kỳ 1: Nước mắt Mẹ không còn...
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi nhớ con của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) vẫn cứ dài theo năm tháng. Nước mắt Mẹ như đã cạn khô, bởi khóc những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi...

 

Chờ mong con trở về
 
Mẹ VNAH Võ Thị Tình, ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) nay đã 101 tuổi. Bà Nguyễn Thị Huynh, người con duy nhất của Mẹ hiện còn sống cho biết, Mẹ không còn nhớ những câu chuyện trước đây, Mẹ chỉ nhớ tên của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Cuộc đời Mẹ sống trong nỗi thương nhớ, chờ mong các con trở về. Có lẽ vì vậy, nhiều chuyện Mẹ đã quên, nhiều người Mẹ không còn nhớ tên, riêng tên gọi và hình bóng các con thì mẹ vẫn nhớ như in trong tâm khảm.
 
Bà Huynh kể, trong kháng chiến chống Pháp, Mẹ Tình và chồng đều tham gia cách mạng. Năm 1954, chồng Mẹ tập kết ra Bắc khi con trai út vừa mới chào đời. Một mình Mẹ gồng gánh nuôi 5 người con, vậy mà Mẹ vẫn vượt suối, băng rừng làm nhiệm vụ giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, 5 người con của Mẹ lần lượt lên đường tham gia chiến đấu. Mẹ ở lại bám làng, tiếp tế lương thực cho cơ sở cách mạng. Mẹ vẫn chờ mong ngày đất nước hòa bình để các con trở về. Nhưng rồi, Mẹ như chết lặng khi 5 lần tiễn con đi thì đến 4 lần Mẹ khóc thầm lặng lẽ. Năm 1965, con gái thứ 3 của Mẹ hy sinh. Sau đó, trong 2 năm 1971 - 1972, Mẹ lại chịu nỗi đau như cắt từng đoạn ruột khi 3 người con trai lần lượt ra đi mãi mãi, trong đó có 2 anh hy sinh cách nhau chưa tròn một tháng. “Nhận được tin báo tử, Mẹ như chết đi sống lại, khóc đến cạn khô nước mắt, phải nhập viện quân y đến mấy lần”, bà Huynh nhớ lại.
 
Ở tuổi 97, ký ức dần phai, duy chỉ có nỗi nhớ chồng, nhớ con là vẫn còn nặng sâu trong lòng Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Bản, ở xã Bình Thanh (Bình Sơn).                   Ảnh: Xuân Hiếu
Ở tuổi 97, ký ức dần phai, duy chỉ có nỗi nhớ chồng, nhớ con là vẫn còn nặng sâu trong lòng Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Bản, ở xã Bình Thanh (Bình Sơn). Ảnh: Xuân Hiếu
Ông Nguyễn Văn Tám (chồng bà Huynh) cho biết, ngày tôi về ra mắt, Mẹ bảo rằng, Mẹ xin tôi về làm con ruột vì các con trai của Mẹ đã hy sinh cả rồi. Vợ chồng tôi và các cháu trở thành lẽ sống của Mẹ. “Mẹ luôn tự động viên, cả nước có hàng trăm nghìn người mẹ mất đi những đứa con, chứ không phải chỉ có riêng Mẹ. Mẹ tự hào khi các con đã anh dũng hy sinh cho dân tộc!", bà Huynh chia sẻ.
 
Trong suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có những vùng đất đã trở thành nhân chứng lịch sử cho những tháng ngày anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Làng Gia Hội, thôn Tham Hội 1, xã Bình Thanh (Bình Sơn) là một vùng đất như thế. Hơn 50 nếp nhà được bao bọc bởi đồng lúa xanh mướt, nơi đây là nơi thờ cúng của 49 liệt sĩ. Trong làng có 15 Bà Mẹ VNAH, 9 thương binh, 1 bệnh binh. Trong ngôi nhà nhỏ của Mẹ VNAH Bùi Thị Bản, ở xã Bình Thanh, trên ban thờ treo 2 Bằng Tổ quốc Ghi công cùng nhiều huân chương, huy chương của chồng và con trai.
 
Chồng Mẹ Bản tập kết ra Bắc khi con trai 4 tuổi và con gái chỉ mới 4 tháng tuổi. Ông đi biền biệt suốt 20 năm, rồi Mẹ  nhận giấy chứng tử và tấm hình chân dung của chồng. “Hồi đó, chiến tranh ác liệt, ông ấy bận lo việc nước. Mình phải chấp nhận hy sinh thì đất nước mới được hòa bình, yên vui các con à”, Mẹ Bản bình thản nói. Nói vậy thôi chứ trong sâu thẳm cõi lòng, Mẹ đau nhói và khóc suốt những đêm dài. Anh Nguyễn Huy, con trai Mẹ Bản, tham gia du kích xã năm 18 tuổi. Ngày anh lên đường, Mẹ giấu kín nỗi lo, động viên con cố gắng chiến đấu. Lúc đồng đội đưa về, trên người anh Huy mặc bộ đồ xanh màu lá đã bạc màu. “Mẹ chẳng có kỷ vật gì, đến tấm ảnh của con đặt lên bàn thờ Mẹ cũng không có. Mẹ chỉ gặp được con trong mơ”, Mẹ Bản nghẹn ngào. Ở tuổi 97, ký ức dần phai như mái tóc pha sương của Mẹ, duy chỉ có nỗi nhớ chồng, nhớ con là vẫn còn nặng sâu trong lòng. 
 
Người Mẹ Anh hùng
 
Một ngày tháng Bảy, chúng tôi về xã Đức Phong (Mộ Đức), nơi có 1.176 liệt sĩ, 322 Mẹ VNAH. Thương binh Nguyễn Ngọc Độ (66 tuổi), dẫn chúng tôi đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm ở xóm Mù U, còn gọi là làng Tân An, thôn Lâm Hạ. Trong kháng chiến chống Mỹ, xóm Mù U là căn cứ cách mạng. Cái tên Mù U khiến giặc Mỹ khiếp sợ, bởi không gì có thể khuất phục được người dân ở xóm Mù U, tình yêu quê hương, đất nước như dòng huyết mạch chảy trong cơ thể mỗi người. Sau giải phóng, cả xóm có 52 hộ dân thì cả 52 hộ đều là gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Làng có 157 người thì đã có 60 liệt sĩ, 39 thương binh, 11 người từng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Ông Độ xúc động cho biết, trên bia tưởng niệm có khắc tên anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tảo, hy sinh năm 1973 và cha của tôi bị địch bắn chết ở trước nhà.
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phụng, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) nâng niu Bằng Tổ quốc Ghi công mỗi khi nhớ các con.  Ảnh: Đ.SƯƠNG
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phụng, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) nâng niu Bằng Tổ quốc Ghi công mỗi khi nhớ các con. Ảnh: Đ.SƯƠNG
Đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phụng (96 tuổi), ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong, nhiều người tự hỏi, sao người phụ nữ này kiên cường đến vậy. Mẹ Phụng bảo, thời đó ai cũng thế, những người vợ, người Mẹ đều lần lượt tiễn chồng, con lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Năm 1964, con trai lớn của Mẹ Phụng là Trần Xuân Cư theo cha cầm súng chiến đấu. Mẹ Phụng kể, thằng Cư tham gia du kích năm 16 tuổi. Khi nó nói với tôi là muốn nối gót cha đánh quân xâm lược, tôi không bất ngờ. Tôi biết sớm muộn gì ngày này cũng đến, nên động viên con chiến đấu hết mình bảo vệ Tổ quốc. Ba năm sau, năm 1967, Mẹ Phụng nhận được tin anh Cư hy sinh. “Khi hay tin thằng Cư hy sinh, con trai út của tôi đi đưa hài cốt anh nó về chôn cất. Còn tôi vẫn ra chợ buôn bán, làm việc như thường ngày”, Mẹ Phụng nhớ lại. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con. Dù đau đớn đến cùng cực, vậy mà Mẹ vẫn cố nén nỗi đau riêng vì sự nghiệp chung của dân tộc. Mẹ bảo, Mẹ mà khóc, quân địch theo dõi sẽ sinh nghi, lộ bí mật, nghĩ thế nên Mẹ làm như không có chuyện gì xảy ra...
 
Năm 1968, Mẹ Phụng hay tin chồng là Trần Xuân Lan hy sinh tại xã Long Sơn (Minh Long). Mãi đến năm 1993, gia đình mới tìm được hài cốt của ông. “Lần đó là vào năm 1967, khi nghe tin con cả hy sinh, trong dịp đi công tác chồng tôi ghé qua thăm mộ con. Dặn dò vài câu, ổng lại lên đường, chưa kịp ăn bữa cơm đoàn tụ”, Mẹ Phụng kể. Tiếp bước cha và anh trai lớn, 3 người con trai của Mẹ Phụng lên đường đánh giặc. Năm 1970, Mẹ Phụng nhận tin con trai thứ 3 là Trần Xuân Thủy hy sinh. Mẹ đau không thể diễn tả bằng lời, nhưng vẫn gắng gượng chịu đựng. Ban ngày, Mẹ vẫn buôn bán, đêm thì nuôi bộ đội. Phía sau nhà Mẹ có căn hầm để cán bộ, chiến sĩ bàn chiến lược. Quân địch nhiều lần sinh nghi, bắt nhốt Mẹ Phụng ở nhà lao, tra tấn, đánh đập nhưng không khai thác được gì, đành thả về. “Mẹ thấy gia đình mình còn may mắn là tìm được hài cốt chồng và 2 con trai. Còn rất nhiều gia đình có người thân hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt”, Mẹ Phụng trải lòng.
 
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phụng ở xã Đức Phong (Mộ Đức) bên bàn thờ chồng và các con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Đ.SƯƠNG).
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phụng ở xã Đức Phong (Mộ Đức) bên bàn thờ chồng và các con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Đ.SƯƠNG).
Mẹ VNAH là những người Mẹ vĩ đại như thế đấy, các Mẹ nào có nghĩ cho riêng mình, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Câu chuyện về cuộc đời của Mẹ Tình, Mẹ Bản, Mẹ Phụng... cũng là câu chuyện của hàng trăm nghìn Bà Mẹ VNAH, đã hiến dâng những người con cho Tổ quốc. Nỗi đau và nước mắt của các Mẹ không đo bằng năm tháng, mà đo bằng cả cuộc đời. Gia đình của Mẹ Tình, Mẹ Bản và nhiều gia đình trên quê hương núi Ấn - sông Trà chọn tháng Bảy tổ chức ngày giỗ chung cho chồng, con... để nhắc nhớ về những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
 
Nghĩa cử tri ân
 
Toàn tỉnh có hơn 6.800 Bà Mẹ VNAH, hiện còn sống 208 Mẹ. Các Mẹ đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Đoàn viên, thanh niên Công an huyện Tư Nghĩa thường xuyên đến thăm, chăm sóc Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cẩn (87 tuổi), ở thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng. Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Tư Nghĩa Phạm Văn Chân chia sẻ, mỗi lần chúng tôi đến nhà, Mẹ Cẩn vui lắm. Mẹ thường nhắc đến màu áo xanh. Mẹ bảo, màu áo đó là màu áo cách mạng, màu áo Bộ đội Cụ Hồ. Con trai Mẹ lúc lên đường chiến đấu cũng mặc màu áo xanh.
 
Mỗi quý một lần, bà Đặng Kim Hồng, đại diện Quỹ Lá xanh - chùa Đống Cao (Thái Bình) tại khu vực miền Trung, lặn lội đến thăm 50 Bà Mẹ VNAH ở Quảng Ngãi. Đó là các Mẹ do Quỹ Lá xanh nhận phụng dưỡng. Quỹ Lá xanh do ông Lê Hồng Thái, người con quê hương Quảng Ngãi hiện sống tại Hà Nội lập nên. “Mỗi lần trở về, chúng tôi được chào đón bởi vòng tay ấm áp của những người Mẹ VNAH", bà Hồng bày tỏ.
 
P.LÝ - X.HIẾU - Đ.SƯƠNG 
 
----------
Kỳ cuối: Những năm tháng không quên
 
 
 

.