Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ

10:06, 04/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 111 năm, ngày 5/6/1911, từ Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, dù phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng với ý chí, bản lĩnh và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. 
 
[links()]
 
Hành trình của lòng yêu nước, thương dân
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 19/5/1890 tại quê ngoại ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1910, trên hành trình vào Nam, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết, làm trợ giảng tại Trường Dục Thanh. Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường cứu nước của cụ Phan Chu Trinh. Khâm phục lòng yêu nước của cụ Phan Chu Trinh nhưng Nguyễn Tất Thành chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông. Đọc các tác phẩm của các nhà triết học Pháp “Thế kỷ ánh sáng”, Nguyễn Tất Thành toát lên lòng thiết tha yêu tự do, khát khao đời sống bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp và suy nghĩ: Tìm cách ra nước ngoài xem thế giới như thế nào, rồi trở về cứu giúp đồng bào. Đầu năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn.
 
 Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: T.L
Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: T.L
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người đã dừng chân ở cảng Mác - xây của Pháp. Những ngày đầu trên đất Pháp, chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh Châu Phi. Cùng với hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành  đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi... Đi đến đâu Nguyễn Tất Thành cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Những cảnh tượng đó làm cho Nguyễn Tất Thành đau xót và liên tưởng đến số phận của người dân An Nam, cũng là nạn nhân của sự tàn ác, vô nhân đạo của bọn thực dân.
 
Theo tàu đi qua Máctinich, Uruguay, Áchentina, cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành dừng lại ở nước Mỹ. Nguyễn Tất Thành có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ và Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Vừa đi làm thuê để kiếm sống, vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã đến thành phố New York, thăm khu phố hoa lệ nổi tiếng thế giới với những ngôi nhà cao chọc trời cho đến những ngôi nhà ổ chuột ở khu Harlem, để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ. Đằng sau những tuyên ngôn, hiến chương về quyền con người của nền cộng hoà, dân chủ vẫn là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo.
 
Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ và đến nước Anh. Trong thời gian ở Anh, Nguyễn Tất Thành hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại ở London, theo dõi tin tức của thế chiến thứ nhất. 
 
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia vào Đảng xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người An Nam yêu nước, ký tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi đến Hội nghị Véc xây bản yêu sách 8 điểm, đây là tiếng nói đại diện của một dân tộc thuộc địa tại một hội nghị quốc tế. Dù không được hội nghị chấp thuận, nhưng Bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" đã trở thành một tuyên ngôn chống đế quốc chưa từng có trong tiền lệ. Từ thủ đô nước Pháp, bản yêu sách và tên gọi Nguyễn Ái Quốc trở thành một niềm tin, một khẩu hiệu đấu tranh cho những thân phận người nô lệ. Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài chính trị, tại sào huyệt của chủ nghĩa thực dân, cùng những nội dung của yêu sách đã đánh thức sự thờ ơ của dư luận đối với vấn đề thuộc địa.
 
Ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam 
 
“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” . Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
 
NGUYỄN ÁI QUỐC

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo ở Pháp. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc xác định rõ con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam tại hải ngoại. Với sự kiện này, một chặng đường hoạt động cách mạng mới, một con đường đấu tranh mới để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu. Đây là mốc đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng, lập trường chính trị của Người từ một người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản.

 
Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc chứng kiến cuộc sống lầm than của người dân thuộc địa, nhìn rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc. Từ đó, Người cũng nhìn thấy những người bạn đồng minh của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, nhận diện rõ bộ mặt thật của kẻ thù. Người nhận định ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác, vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Vậy là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Quyết định lựa chọn và hành động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua là một sự lựa chọn đúng đắn của một người yêu nước chân chính, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đồng thời mở ra một con đường đấu tranh mới của người chiến sĩ cộng sản. 
 
Bắt đầu một chặng đường mới, Nguyễn Ái Quốc không chỉ đấu tranh cho sự giải phóng của dân tộc mình, Người còn đấu tranh cho sự giải phóng của các dân tộc thuộc địa và nhân loại cần lao. Xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa thuộc phạm trù của cách mạng vô sản, là một bộ phận khắng khít của sự nghiệp cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh sự ảnh hưởng, mối liên hệ chặt chẽ giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Cũng từ hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ vấn đề quan trọng đặt ra cho các nước thuộc địa ở phương Đông là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Phải có độc lập dân tộc mới có thể tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội. Cả hai cuộc cách mạng đó đều là sự nghiệp của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
 
Từ ngày 3 - 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín, đạo đức cách mạng và sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới vô cùng oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.
 
 Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc đặt bước chân đầu tiên về với Tổ quốc tại cột mốc 108 Hà Quảng, Cao Bằng. Tháng 5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Việc hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thành lập chính thể dân chủ cộng hoà phù hợp với tình hình mới đã thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo của Hội nghị Trung ương 8 dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Những quyết định kịp thời, tài tình của Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng tại hội nghị này đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng, góp phần to lớn vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. "Tuyên ngôn độc lập" là một văn bản pháp lý mang giá trị đặc biệt, khẳng định với thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam hiện đại, chấm dứt chế độ phong kiến chuyên chế phản động, chấm dứt hàng trăm năm nô lệ, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do. Đó là kết quả của một hành trình tìm đường cứu nước và thực tiễn đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành công dân của một nước độc lập, đồng thời mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với ánh sáng soi đường là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 
 
Kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ôn lại hành trình Người đã bôn ba tìm đường cứu nước với lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, đạo đức của Người luôn hiện hữu trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam với lòng biết ơn sâu sắc. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
 
BẮC PHƯƠNG
 
 
 
 

.