Một người cộng sản kiên trung

10:03, 22/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với 32 tuổi đời, 18 năm dấn thân và hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng, là một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng.

 

Đồng chí Tô Hiệu.  Ảnh: T.L
Đồng chí Tô Hiệu. Ảnh: T.L
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Đây là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, quê hương của khởi nghĩa Bãi Sậy nổi danh trong cả nước. Đồng chí được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp. Năm 14 tuổi, khi đang theo học tại Trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, đồng chí Tô Hiệu đã tham gia phong trào bãi khóa đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này, nên mặc dù học rất giỏi, năm 1926, Tô Hiệu vẫn bị buộc thôi học. Rời trường, nhưng tinh thần yêu nước vẫn in đậm trong tinh thần Tô Hiệu. Đây cũng là bước dấn thân vào con đường cách mạng của ông.
 
Từ năm 1927 - 1929, đồng chí Tô Hiệu lên Hà Nội học và tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, đồng chí được kết nạp vào Học sinh Đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
 
Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều cán bộ cách mạng bị bắt. Đồng chí Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao. Vì vậy, ông đã theo người anh ruột là Tô Chấn - một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Đồng chí Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị địch kết án “4 năm tù giam, phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, sau đó đày đi Côn Đảo.
 
Trong nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tô Hiệu chú ý tìm hiểu tù nhân và mở rộng các mối quan hệ. Hằng ngày, theo sự chỉ dẫn của ông Tô Chấn, đồng chí Tô Hiệu càng trở nên gần gũi và học tập những người tù cộng sản, từng bước tham gia vào các hoạt động trong tù. Biết Tô Hiệu có nhiều triển vọng, có phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, khi ra tù nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, các đồng chí lớn tuổi hơn, hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm hơn như Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng... đã dành nhiều thời gian, công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật... 
 
Theo sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi.
 
Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.
 
Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Giữa tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1938, đồng chí đã có nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các địa phương này.
 
Tháng 2/1939, đồng chí Tô Hiệu được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy Khu B và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây nhiều tiếng vang trong và ngoài nước. Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt lần thứ 2 và đầu năm 1940 bị đày lên nhà tù Sơn La.
 
Trong thời gian ở nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù. Đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù (vì lúc ấy, tù chính trị ở Sơn La còn có cả những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng). Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ; mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa; bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh...
 
Đến tháng 10/1941, đồng chí Tô Hiệu thôi không giữ chức Bí thư Chi bộ Nhà tù vì lý do sức khỏe, song vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của chi ủy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền. Do chế độ nhà tù thực dân hà khắc và căn bệnh hiểm nghèo, vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La và được an táng tại Nghĩa trang Gốc Ổi (Nghĩa trang nhà tù Sơn La) trong niềm tiếc thương của anh em, đồng chí.
 
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu - người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để lớp trẻ hôm nay học tập, noi theo.
 
THANH THUẬN
 
 

.