Cần sự quyết tâm, thực hiện đồng bộ

10:07, 26/07/2022
.

(Baoquangngai.vn)-Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022). Nghị định 45 là sự thể chế các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, để sớm đưa luật này đi vào cuộc sống.

Điểm đáng chú ý là, theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý rác thải. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Với những hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Việc thực hiện quy định mới này là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải. Đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cũng như tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Hiện nay, việc phân loại, xử lý rác thải ở các hộ gia đình còn nhiều bất cập.
Hiện nay, việc phân loại, xử lý rác thải ở các hộ gia đình còn nhiều bất cập.

Thực tế, trước khi tiến đến áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn, chúng ta cũng đã tuyên truyền, vận động trong nhiều năm, dù vậy thói quen của người dân về phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thay đổi. Tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng)… cũng đã thực hiện thí điểm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong đợi.

Do vậy, đã đến lúc cần xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn, để mọi người dân tham gia tốt hơn vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc thực hiện xử phạt hành vi không phân loại rác còn là cách để đảm bảo hiệu lực pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường.  

Tuy nhiên, để quy định này thực thi trong cuộc sống cần sự thực hiện đồng bộ, cũng như quyết tâm từ các cơ quan liên quan đến chủ thể chính là người dân.

Về mặt quản lý nhà nước, trước hết Bộ TN&MT sớm hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các văn bản liên quan khác để làm căn cứ, hướng dẫn cho các địa phương triển khai quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

Điều quan trọng nữa là, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc phân loại rác, thì các đơn vị, cơ sở thu gom rác cần đầu tư, trang bị các thùng đựng rác riêng theo quy định gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thảo rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, có thể sản xuất, cung ứng các loại bao bì riêng cho từng loại rác, để chỉ cần nhìn vào túi đựng rác, thùng đựng rác, người dân nhanh chóng phân loại, đưa rác đến đúng nơi, đúng chỗ.

Rõ ràng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa việc phân loại rác sinh hoạt đi vào khuôn khổ. Song, để xây dựng thói quen xử lý rác một cách văn minh hơn, rất cần những biện pháp quyết liệt hơn. Một khi quy định này thực hiện nghiêm sẽ tác động tích cực đến môi trường, trước hết là giúp cho môi trường sống của người dân ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: LINH GIANG

 

 
 
 
 

 


.