Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26 làm việc với tỉnh Quảng Ngãi

05:12, 16/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 16/12, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi bằng hình thức trực tuyến. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì tại điểm cầu Trung ương. 
[links()]
 
Tham dự buổi làm việc tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. 
 
Báo cáo tại buổi làm viêc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, qua 15 năm thực hiện, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành khá và ổn định qua các năm. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt được 17.089,4 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 8.597,8 tỷ đồng, lâm nghiệp 1.881,0 tỷ đồng, thủy sản 6.610,5 tỷ đồng. So với năm 2008, tốc độ tăng trưởng toàn ngành tăng bình quân 5,89%.  Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản tăng. 
 
Bước đầu đưa vào sản xuất một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; chăn nuôi có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại và liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thủy sản có sự chuyển biến tích cực, giảm số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, sản lượng tăng hàng năm; phát triển rừng, nhất là phát triển rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị từ gỗ được quan tâm.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả. Đến cuối năm 2020, số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đã tăng hơn 10 tiêu chí so với năm 2011; có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 89/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi làm việc
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi làm việc
 
Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất tạo điều kiện người dân có cơ hội khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển KT - XH, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời phát động phong trào “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững của một bộ phận người nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,19% (đầu năm 2016) xuống còn 6,41% (cuối năm 2020); bình quân mỗi năm giảm 1,76%, đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập.
 
Kết cấu hạ tầng KT - XH ở nông thôn từng bước hoàn chỉnh theo quy hoạch, kế hoạch đề ra; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh, nhất là các loại hạ tầng thiết yếu phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn. Hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.
 
Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26 trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch còn chậm và chưa rõ nét, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa bước đầu được hình thành nhưng quy mô còn nhỏ. Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương do các yếu tố về thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường nông sản. Vốn đầu tư cho các chương trình, dự án còn mức rất thấp so với nhu cầu. Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tuy được quan tâm đầu tư nhưng kinh phí còn hạn hẹp…
 
Một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao được nông dân đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế
Một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao được nông dân đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế
 
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW thời gian qua. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới như: Đầu tư cho liên kết vùng cần được đẩy mạnh hơn; cần tiếp tục tăng cường đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn vì hiện nay mức đầu tư chưa tương xứng; quan tâm hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt đến thu hoạch…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú  ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của tỉnh, nổi bật về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp về nâng cao mức sống của người dân nông thôn, về đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh; tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; chủ động, sáng tạo và mạnh dạn tổ chức nhiều chương trình kết nối, tìm hiểu, nắm bắt thị trường để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện kích thích sản xuất…
 
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề xuất, trên cơ sở các Văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi cần xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới. Nhìn nhận đầy đủ bối cảnh thế giới, khu vực trong nước nhằm xác định lợi thế, tiềm năng của tỉnh để tập trung xây dựng chương trình, chiến lược đầu tư phát triển; chú trọng phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn với liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
 
Trong chương trình làm việc, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình mới và mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tin, ảnh: H.P

.