Ngày tôn vinh phụ nữ

12:37, 08/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ của Quốc tế thứ 2 (Quốc tế xã hội chủ nghĩa), 100 đại biểu phụ nữ từ 17 quốc gia đã đòi quyền bầu cử của phụ nữ. Người chủ trì hội nghị, bà Clara Zetkin, người Đức, đề xuất chọn ngày Quốc tế phụ nữ để tôn vinh những người phụ nữ đang chiến đấu trên khắp thế giới. Hội nghị quyết định chọn ngày 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”, “Làm việc bình đẳng”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Tính đến năm nay là kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). 

Đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, đấu tranh để bảo vệ bà mẹ và trẻ em, là những mục tiêu đấu tranh cập nhật cho tới thời hiện đại này. Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, thời kỹ thuật số, thời trí tuệ nhân tạo, nhưng không bao giờ quên những quyền cơ bản của người phụ nữ, bởi đó là những quyền cơ bản để làm người. Ngày 8/3 bảo vệ quyền làm người tốt đẹp nhất, xứng đáng với con người nhất cho phụ nữ.

Với Việt Nam bây giờ, khi quyền bình đẳng của phụ nữ được tôn trọng, công việc của người phụ nữ trong xã hội cũng ngang bằng với nam giới, cơ hội để phát triển không thiếu, vậy thì câu chuyện những phụ nữ khởi nghiệp, nhất là phụ nữ nông thôn, cũng được tôn trọng, khuyến khích và giúp đỡ.

Trong rất nhiều tấm gương phụ nữ nông thôn khởi nghiệp, tôi muốn đưa một tấm gương khởi nghiệp cũng khiêm nhường của một phụ nữ trẻ nông thôn ở huyện Tư Nghĩa. Câu chuyện này báo Quảng Ngãi đã đăng: “Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (38 tuổi) cùng chồng là anh Đoàn Đức Uy (40 tuổi) ngụ thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã mạnh dạn khôi phục phương thức sản xuất mật mía truyền thống, kết hợp máy móc hiện đại để nâng cao giá trị cho cây mía”. 

Sản xuất mật mía truyền thống là mặt hàng đang được người tiêu dùng ưa chuộng vì nó sạch, thơm ngon và phù hợp là sản phẩm "xanh". Chị Thủy không chỉ khởi nghiệp nghề làm mật mía truyền thống để tạo lợi nhuận của riêng mình, chị còn nghĩ rộng hơn cho bà con nông dân quê mình: “Nếu ta phát triển được một nghề tạo đầu ra cho cây mía thì có thể giúp người dân mình mở rộng lại diện tích trồng mía, tăng thu nhập”. Vợ chồng chị Thủy đã thành công vì biết kết hợp giữa tay nghề theo truyền thống và kiến thức làm nghề hiện đại. Nghề nào bây giờ cũng cần kiến thức và máy móc trợ giúp thực hiện.

Những khởi nghiệp không lớn của những người phụ nữ nông thôn như chị Thủy lại khiến chúng ta thấy tin cậy vào năng lực và khả năng dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ bây giờ. Đó cũng là nét đẹp rất đáng ca ngợi của người phụ nữ nhân ngày 8/3 năm nay, ngày đẹp nhất dành cho phụ nữ.

THANH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 12:37, 08/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.