Lưu giữ thanh âm tết Trung thu

07:10, 17/09/2023
.
 
 
Tại cơ sở sản xuất lân Quang Thắng, ở thôn La Hà 2, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), có rất nhiều đầu lân rực rỡ sắc màu được xếp ngăn nắp chờ giao cho khách hàng. Chủ cơ sở này là anh Nguyễn Hoàng Minh (36 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Nhung (34 tuổi). Gia đình anh Minh là một trong số ít gia đình còn gắn bó với nghề làm đầu lân.
 
Anh Nguyễn Hoàng Minh tỉ mỉ vẽ từng đường nét trên đầu lân sư rồng.
Anh Nguyễn Hoàng Minh tỉ mỉ vẽ từng đường nét trên đầu lân sư rồng.
Từng có thời gian theo học ngành mỹ thuật, nên không khó để anh Minh bắt nhịp với nghề vẽ lân sư rồng. Gần 10 năm qua, vợ chồng anh Minh dành trọn tâm huyết với nghề làm đầu lân. Anh Minh chia sẻ, ban đầu vợ chồng tôi học nghề làm đầu lân theo cách truyền thống là đúc từ khuôn xi măng rồi đắp giấy. Dần dần theo thị hiếu của khách hàng, tôi mày mò làm đầu lân theo cách hiện đại là làm khung sườn đầu lân bằng cây mây. Đầu lân làm bằng sườn mây nhẹ hơn, có độ bền lâu và đẹp hơn loại đắp bằng giấy. Việc tạo hình trên đầu lân, nhiều góc cạnh đòi hỏi phải tỉ mỉ từng chút một. Anh Minh vừa học, vừa làm rồi dần thạo nghề, tạo dựng uy tín, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
 
Làm đầu lân bằng sườn mây trải qua nhiều công đoạn như tạo khuôn, cắt vải, gắn vải kim sa, vẽ trang trí... Theo anh Minh, vẽ mắt lân là bước quan trọng nhất bởi nó quyết định thần thái con lân. Lân mạnh mẽ hay hiền lành... đều được thể hiện qua đôi mắt, do đó đây là công đoạn mà anh dành nhiều tâm huyết nhất. Nét cọ tài hoa cùng với cách phối màu bắt mắt của người thợ càng làm tôn lên vẻ dũng mãnh, oai vệ hay hiền lành của lân. Được làm hoàn toàn thủ công nên mỗi đầu lân do anh Minh làm ra mang một nét riêng. Mỗi mùa Trung thu, anh Minh đều sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, cách vẽ hoa văn trang trí mới để phù hợp với thị hiếu khách hàng. 
Nói về nghề làm đầu lân, chị Nhung chia sẻ, đó là công việc không quá khó nhưng đòi hỏi người làm cần phải khéo léo, tỉ mỉ. Hiện nay, nghề làm lân truyền thống đang dần bị mai một vì đây là nghề thời vụ, một năm chỉ được vài tháng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Vợ chồng anh chịu khó học hỏi, thay đổi mẫu mã của lân. Mỗi dịp tết Trung thu, cơ sở của anh Minh luôn nhộn nhịp, hàng nghìn chiếc đầu lân xuất bán khắp nơi. Anh Minh phải huy động 6 nhân công làm tăng ca ngày đêm mới kịp giao hàng cho khách. 
 
Những ngày này, cơ sở sản xuất trống Hà Nam, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cũng tất bật, rộn ràng. Tiếng máy cắt, máy mài, gõ, đục... vang liên hồi. Chủ cơ sở là bà Phạm Thị Chiên (49 tuổi), xuất thân từ làng nghề trống Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) nức tiếng cả nước. Theo lịch sử thì nghề làm trống Đọi Tam đã có trên 1.000 năm. Bà Chiên mang cái nghề của tổ tiên vào Quảng Ngãi lập nghiệp đã 24 năm. 
Nói về nghề làm trống truyền thống, bà Chiên bảo may mắn khi cả hai con trai đã tiếp nối và thành công với nghề. Ngay từ nhỏ, bà luôn truyền dạy cho con về giá trị của nghề truyền thống. Mưa dầm thấm lâu, tình yêu với nghề trống đã theo hai đứa trẻ lớn dần. Mẹ truyền con nối, hai người con của bà Chiên tiếp quản và kế thừa nghề của mẹ.
Vừa dùng đinh ghim cố định mặt trống vào thân trống, anh Phạm Văn Thông (30 tuổi), con trai cả của bà Chiên say sưa kể về nghề làm trống. Anh Thông bảo rằng, nghề làm trống vất vả, phải có tình yêu và sự đam mê mới làm được. Kỹ thuật làm trống Đọi Tam rất tinh xảo. Làm trống là cả một quy trình kỳ công, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, khéo léo, được thực hiện kỹ lưỡng qua 3 khâu: Làm da, làm tang và bưng trống. 
 
Mặt trống được làm bằng da trâu hoặc da bò. Da ngâm trong nước không được quá lâu hoặc quá nhanh, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Tang trống được làm bằng gỗ mít hoặc gỗ xoan đào phơi khô, xẻ cong thành từng dăm. Người thợ sẽ gắn kết các dăm lại với nhau, tạo thành trống tròn, khít, hài hòa, cân đối. Bưng trống là khâu khó nhất. Sau khi căng tròn da trâu hoặc da bò trên mặt trống,  dùng đinh ghim cố định da trống vào thân trống, người thợ còn phải khéo léo để căng mặt trống thật phẳng, khi gõ cho âm thanh trầm và vang xa. Cuối cùng là công đoạn quét sơn và đóng tai. 
Mùa Trung thu năm nay, cơ sở của bà Chiên bán ra thị trường khoảng 10 nghìn chiếc trống, tăng 4.000 chiếc so với năm 2022. Trống không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều khách hàng khắp cả nước cũng tìm đến đặt hàng. Những người giữ “hồn” tết Trung thu như anh Minh, bà Chiên phấn khởi vì thị trường sôi động trở lại, người nghệ nhân có niềm vui, động lực để giữ nghề.
Ngày nay, biết bao thứ đồ chơi, thanh âm hiện đại, nhưng khi tiếng trống lân mừng tết Trung thu “tùng... tùng... cắc... tùng... tùng” vang lên khắp các nẻo đường, vẫn khiến lòng người rộn ràng, làm cho không khí tết Trung thu thêm dung dị mà ấm áp.
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 
Xuất bản lúc: 07:10, 17/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.