Những trang thơ của đồng chí Trần Kiên 

21:45, 02/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong số những kỷ vật mà đồng chí Trần Kiên để lại có một cuốn sổ được ghi chép những trang thơ. Đó là những bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, những tâm tình... của đồng chí trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng.  

Giữa cái nắng ngày hè, trong căn nhà nhỏ rực rỡ sắc hoa, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), bà Nguyễn Thị Chữ (94 tuổi) - em ruột đồng chí Trần Kiên, đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ nhỏ của đồng chí Trần Kiên. Cuốn sổ bìa đen, dày 100 trang, nét chữ nhỏ, màu mực trên trang giấy ố vàng cùng thời gian. Đây là cuốn nhật ký được đồng chí Trần Kiên viết bằng thơ. Những dòng thơ khắc họa hình ảnh đồng chí Trần Kiên với một tuổi thơ cơ cực, khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc; một tấm lòng yêu nước, thương dân của người chiến sĩ cách mạng và nỗi nhớ, tình yêu khắc khoải dành cho gia đình. 

Đồng chí Trần Kiên (1920 - 2004) tên thật Nguyễn Tuấn Tài, bí danh Quốc, Sơn. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Từ thuở thiếu thời, ông lớn lên trong tình yêu thương cùng những kỷ niệm về bà. Chính bà đã gieo trong lòng cậu bé Nguyễn Tuấn Tài về tình yêu quê hương, đất nước: "Tuổi thơ chập chững sống bên bà/ Bà kể cháu nghe chuyện tấm da.../ Bao trang trung liệt, người xông trận/ Vì nước, vì dân, vượt phong ba/ Năm ấy bà trên trăm tuổi già/ Lưng còng, tóc bạc, mắt đã loà/ Xoa đầu cháu chắt bà bảo nhớ/ Dẫu nghèo phải sạch, nhớ ông cha". Từ lời dạy ấy, 16 tuổi, Nguyễn Tuấn Tài tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với các phong trào yêu nước ở địa phương. Đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, khốn khó, cậu bé Nguyễn Tuấn Tài đã viết bài thơ để giãi bày cõi lòng mình: “Hỡi ngư ông?/ Sao?/ Trơ như đá, vững như đồng/ Bốn mùa, câu gì?/ Câu hoài, câu mãi/ Ối hỡi ông?/ Đất, trời, non, nước, người, mây, gió/ Nước mất hay còn? Có biết không?”, hay "Sống thế nào thân phận làm trai.../ Ta khát khao có người chỉ rõ/ Hướng con thuyền đến bến sáng tương lai". 

Những trang thơ của đồng chí Trần Kiên.        Ảnh: Tạ Hà
Những trang thơ của đồng chí Trần Kiên.        Ảnh: Tạ Hà

Trong thời gian 1962 - 1964, đồng chí Trần Kiên làm Phó Tư lệnh Quân khu 5 kiêm Chủ nhiệm Hậu cần. Đồng chí luôn hết mình chăm lo đời sống bộ đội, nhất là lo gạo, lo muối. Vừa lo đánh giặc, vừa lo sản xuất, xây dựng Liên khu 5 trở thành căn cứ địa vững vàng, đồng chí đã viết về cuộc đời người lính hậu cần: "Nhớ đời làm lính hậu cần/...Hết hè rồi lại sang xuân/ Nuôi cây muôn nóc/ Trồng rừng sắn xanh/ Nỗi lo ôm chặt lòng anh/ No dành khi đói, rách dành tình thương/ Xuống lên cao thấp dặm đường/ Đạn bom anh vượt, muối đường chị trao/ Nhớ người chạy gạo thủ kho/ Phần ăn thì hết, phần lo thì nhiều/ Lo cho gạo chạy ngược chiều/ Gạo từ thành thị chạy về nuôi quân”.

Từ năm 1964 - 1965, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm Chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí Trần Kiên tổ chức lại các đội công tác, xây dựng phong trào đấu tranh du kích, làng chiến đấu, hầm hào, địa đạo, dùng lực lượng hợp pháp mua gạo ở vùng địch đang chiếm đóng, tích cóp được 200 tấn gạo phục vụ cho Chiến dịch Ba Gia năm 1965. Trong bài thơ "Tôi viết câu thơ sông Trà", đồng chí Trần Kiên nhấn mạnh, người dân anh dũng, ngoan cường, làm nên Chiến thắng Ba Gia lịch sử: “Bài ca khúc nhạc những ngày/ Bom rơi tốc nước, đạn cày đục sông/ Trời mù, lạnh nghét đêm đông/ Anh về... Ba Gia/ Lụt to ngập núi.../ Dân lành chết đuối, nhà nhà thiếu cơm/ Đạn bom, lụt lội chẳng sờn/ Ngược dòng chở gạo diệt đồn Gò Cao/ Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào/ Thấm tình hợp ý rọi vào lòng dân”.

Cuốn sổ không chỉ là kỷ vật đồng chí Trần Kiên ghi những sự kiện lịch sử hào hùng, mà trở thành người bạn tâm sự những nỗi niềm sâu thẳm. Đó là một tình yêu quê hương sâu sắc với dòng sông Trà thơ mộng: “Sông Trà quê nội của ta/ Nước trong cát trắng những hoa cùng người/ Bao đời nước chảy về xuôi/ Trọn tình vẹn nghĩa đong đầy bể đông...”. Rồi nỗi nhớ mẹ được đồng chí trải lòng qua những dòng thơ: “Mẹ già ba bận tiễn con/ Đứa đi ra Bắc, đứa vào chiến khu/...Mẹ ngồi sàng gạo mải mê/ Hạt đưa ra trận, hạt ăn tại nhà/ Mẹ rằng hạt gạo chia ba/ Tình nhà chia bốn ai mà biết chăng?/ Mân mê hạt gạo mẹ rằng/ Mày ra mặt trận mày lăn vô tù/ Mày lên đến tận chiến khu/ Tuy mày còn hẩm nhưng như hạt vàng”.  

Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. Đây cũng là thời điểm đồng chí Trần Kiên được đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm xa cách: "Giặc tan trời hửng mọi chiến trường/ Người xưa dấu cũ những thân thương/ Đường về hoa nở mừng sum họp/ Tiếng hát bình ca gẫm tự cường...”.

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, qua những trang thơ, chúng ta càng thêm tự hào và quý trọng đồng chí Trần Kiên, một tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

TẠ HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 21:45, 02/07/2023
TỪ KHÓA: Quảng Ngãi

Ý kiến bạn đọc


.