Niềm vui ở vùng cao Sơn Tây

22:18, 29/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nông dân và học sinh ở huyện Sơn Tây đã trở lại với công việc thường ngày. Thầy cô giáo, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt. Nông dân tất bật ra đồng.

Học sinh trở lại trường

Niềm vui đầu xuân ở huyện vùng cao Sơn Tây là học sinh ra lớp đầy đủ, đi học đều đặn, tinh thần học tập hăng say hơn những năm trước đó. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh cho biết, ngay ngày đầu tiên đi học sau Tết, tất cả các trường đã đảm bảo sĩ số 95 - 98%. Hai ngày sau đó, sĩ số này tăng lên đạt 100%, đặc biệt là các trường bán trú, nội trú. Việc học tập sôi nổi ngay từ ngày đầu, học sinh không có tâm trạng nghỉ Tết dài ngày, ăn Tết muộn. Các em học sinh trong đội tuyển đã ôn luyện và tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh, hội khỏe Phù Đổng cấp huyện với tinh thần hết mình để đạt kết quả tốt nhất.

Sau Tết, học sinh Trường Tiểu học Sơn Mùa (Sơn Tây) ra lớp đầy đủ.
Sau Tết, học sinh Trường Tiểu học Sơn Mùa (Sơn Tây) ra lớp đầy đủ.

Trước khi nghỉ Tết, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây đã chỉ đạo 19 đơn vị trường học xây dựng các biện pháp thích hợp để công tác giảng dạy, học tập đi vào nền nếp khi trở lại trường. Theo đó, nhiều trường học trên địa bàn huyện Sơn Tây đã đề ra nhiều biện pháp để động viên, thu hút học sinh người dân tộc thiểu số Ca Dong ở vùng sâu, vùng xa đến trường đúng quy định. Thay vì thầy cô phải vào các làng xa xôi để tìm gặp, vận động học sinh ra lớp thì các trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân mới. Mục đích tạo khí thế vui tươi để các em cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ đó tự giác chấp hành nội quy đi học đúng ngày, hăng say ngay từ tiết học đầu tiên.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, ngay ngày đi học đầu tiên, 199 học sinh (100%) đã đến trường. Các giáo viên đã có mặt đông đủ từ chiều hôm trước để dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại và tổ chức việc học tập đúng kế hoạch đề ra. Các em trong đội tuyển tích cực tham gia tập luyện, đảm bảo chất lượng, phấn đấu đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi. Công tác chăm sóc vườn rau, vườn thuốc nam, các hoạt động trải nghiệm như sinh hoạt văn hóa dân gian, nói chuyện chuyên đề cũng được triển khai đảm bảo đúng thời gian, đáp ứng yêu cầu.

Vườn rau bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Lập.
Vườn rau bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Lập.

Đặc biệt, tại xã Sơn Lập, một trong những xã nghèo, xa xôi, giao thông cách trở nhất huyện, tinh thần học tập của học sinh sau Tết đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân trong vùng. Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sơn Lập tổ chức ra mắt mô hình “Vườn rau bán trú” mà trước đó thầy và trò nhà trường đã cùng nhau cuốc đất, nhổ cỏ, gieo hạt, tưới nước. Vườn rau đã trở thành điểm check - in thú vị không chỉ vì đẹp mà còn là “của nhà làm được”. Các em học sinh nô nức đến trường trong ngày đầu năm để ngắm nhìn sự kỳ diệu của những hạt mầm bé tẹo gieo vào lòng đất đã lên xanh. Niềm vui thật sự quá lớn đối với các cô cậu học trò khi lần đầu tiên các em được thấy một vườn rau với đủ loại từ cải xanh, cải bẹ, rau muống, mùng tơi, cải cúc... ngay trong khuôn viên trường mình. Bữa cơm bán trú ngày đầu tiên khi trở lại trường sau Tết râm ran tiếng nói, cười khi có món rau từ chính tay mình trồng. Cảm giác hạnh phúc đong đầy trong đôi mắt các cô cậu học trò xã Sơn Lập.

Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sơn Lập Trịnh Quốc Duy chia sẻ, tập thể giáo viên nhà trường khi bắt tay vào thực hiện mô hình “Vườn rau bán trú” đã hình dung được một phần niềm vui của ngày hôm nay. Không chỉ tạo ra rau an toàn tại chỗ đưa vào bữa cơm bán trú đảm bảo chất lượng, mô hình này còn là môn học trải nghiệm xây dựng tinh thần yêu lao động, hướng dẫn việc tự sản xuất rau xanh, thay đổi thói quen “vào rừng hái rau” đã ăn sâu vào tiềm thức các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. “Ở xã Sơn Lập xa xôi này, việc trồng rau xanh trong vườn là điều rất mới mẻ đối với học sinh và cả phụ huynh. Thông qua mô hình, nhà trường cũng hy vọng các em sẽ giúp phụ huynh nhận thức và thực hiện “mô hình vườn rau xanh” tại gia đình mình để phục vụ cuộc sống tốt hơn”, thầy Duy cho biết.

Nông dân ra đồng

Sau những ngày đón Tết, vui Xuân, đồng bào vùng cao huyện Sơn Tây lại hăng hái ra đồng, lên rẫy để chăm sóc lúa, xuống giống vụ keo, mì, cau mới. Dọc theo các sườn đồi của xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Bua... người dân đang tập trung tỉa cành, bón phân cho các vườn cây ăn quả như ổi, bưởi, chuối.

So với trước đây, cách canh tác của nông dân ở huyện Sơn Tây đã có nhiều thay đổi. Người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tận dụng lợi thế để phát triển các loại cây trồng phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây tư vấn hồ sơ vay vốn cho người dân.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây tư vấn hồ sơ vay vốn cho người dân.
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây, doanh số cho vay đối với chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện 2 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10,8 tỷ đồng, với 249 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đến nay đạt trên 201 tỷ đồng, với gần 4.500 khách hàng còn dư nợ.

Đồng hành cùng với người dân, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Sơn Tây đã tập trung giải ngân vốn ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, giúp đồng bào Ca Dong có vốn mua cây, con giống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chị Đinh Thị Thang, ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa vừa được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây giải ngân cho vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. “Hiện tại, tôi đã mua cau giống và đang dọn đất để trồng 1 héc ta cau. Theo tôi, cây cau vẫn là cây truyền thống của đồng bào Ca Dong từ bao đời nay nên tôi quyết định chọn cây cau để làm kinh tế. Tuy nhiên, để lấy ngắn nuôi dài, tôi sẽ mua ổi về trồng xen với cau và trồng thêm ớt xiêm”, chị Thang bày tỏ.

Không chỉ được vay vốn làm ăn, người dân còn được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ vậy, mùa xuân này, hàng chục hộ dân thuộc diện hộ nghèo là đồng bào Ca Dong đã được an cư trong những ngôi nhà mới vững chãi.

Ngồi trong căn nhà sàn được xây dựng vững chãi, anh Đinh Văn Nhênh, ở xã Sơn Mùa chia sẻ, đây là cái Tết vui nhất đối với mình vì có nhà mới chắc chắn để ở, không còn phải lo mưa dột nữa. Cũng nhờ Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi nên tôi mới làm được nhà. Có nhà rồi bây giờ mình chỉ lo tập trung làm kinh tế để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Lê Quốc Vinh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, phòng giao dịch đã tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao. Đồng thời, kịp thời rà soát nhu cầu vay vốn để quay vòng nguồn vốn đã đến hạn, không để tồn vốn. Hiện nhu cầu vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn rất cao. Nếu như trước đây, người dân chỉ có nhu cầu vay từ 30 - 50 triệu đồng thì nay mức vay của người dân cũng đã tăng lên 100 triệu đồng. Điều này chứng tỏ, người dân đã biết cách làm ăn, biết đầu tư các mô hình kinh tế có giá trị để phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:18, 29/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.