Quyết tâm giảm nghèo nhanh, bền vững

15:21, 28/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) không chỉ tạo sinh kế bền vững, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống mà còn tạo điều kiện để huyện Mộ Đức đạt huyện nông thôn mới.  Phóng viên (PV) Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân  xoay quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết kết quả việc triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện trong thời gian qua như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Lân: Xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nên đã vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả. Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia.

Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là người dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thật sự hiệu quả về kinh tế. Huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài huyện để chung tay giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã giảm đáng kể, tính bền vững được nâng lên. Tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo từng bước được khắc phục triệt để.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2023 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) từ 5,27% đến cuối năm giảm xuống còn 3,66%, giảm 1,61%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 0,5 - 1%). Từ năm 2022 đến nay, có 3 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo được triển khai. Đến cuối năm 2023, có 7 mô hình được nhân rộng; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. Năm 2023, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện hơn 6,2 tỷ đồng. đến giữa tháng 12/2023 giải ngân hơn 3,6 tỷ đồng, đạt 57,56% kế hoạch vốn.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình và Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Minh Đạo tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP huyện Mộ Đức.

PV: Việc triển khai chương trình có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Lân: Các dự án, chính sách của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản phù hợp với các chỉ tiêu đề ra. Song, các chính sách vẫn chưa bao phủ cho tất cả đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, như việc hỗ trợ về nhà ở chỉ triển khai trên địa bàn các huyện nghèo. Việc vận động người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia học nghề gặp khó khăn, vì mức hỗ trợ cho người học quá thấp, học xong khó tạo việc làm mới. Chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều thủ tục, hồ sơ nên đa số các cơ sở đào tạo nghề còn e ngại trong tổ chức hoạt động dạy nghề từ nguồn hỗ trợ này.

Ngoài ra, việc bố trí nhân lực phụ trách Chương trình ở địa phương, cơ sở chưa được quan tâm. Văn bản triển khai hướng dẫn của trung ương và tỉnh về thực hiện Chương trình chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng lớn đến việc triển khai ở huyện và cơ sở, nhất là ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn.

PV: Huyện đề ra mục tiêu giảm nghèo trong thời gian đến như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Lân: Năm 2024, huyện Mộ Đức đề ra mục tiêu giảm 340 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,74%; giảm 260 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng 2,37%. Huyện xây dựng kế hoạch chi tiết để giảm nghèo nhanh, bền vững đối với từng nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo.  

Đối với nhóm có khả năng lao động nhưng không có đất sản xuất, huyện tạo điều kiện về đất đai như cho mượn đất, cho thuê đất... để các hộ có đất phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đối với nhóm hộ thiếu hụt về nhà ở, công trình vệ sinh, phương tiện tiếp cận thông tin, huyện đa dạng các nguồn lực, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ để hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, vay vốn ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, phương tiện tiếp cận thông tin cho các hộ.

Đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng thiếu việc làm, thiếu vốn, phương tiện sản xuất, huyện hỗ trợ các nguồn vốn từ Chương trình năm 2024, năm 2025. Tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cập nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Huy động các doanh nghiệp, tổ hợp tác, tổ sản xuất tiếp nhận lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vào tham gia sản xuất. Huy động người dân trong độ tuổi lao động, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương tham gia các ngày hội việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn ngắn hạn, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình, kinh nghiệm hay trong và ngoài tỉnh, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động nâng cao kiến thức để sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm, tạo thu nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!

BẢO HÒA (thực hiện)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:21, 28/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.