Tư Nghĩa: Giảm nghèo từ vốn vay ưu đãi

16:32, 22/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Tư Nghĩa đã đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao “cần câu” cho người nghèo

Năm 2019, gia đình ông Lê Lư, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng thuộc diện hộ nghèo. Để giúp gia đình ông Lư thoát nghèo, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn An Hòa Nam đã giới thiệu để ông tiếp cận nguồn vốn vay. Vợ chồng ông Lư được xét vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để mua bò và đầu tư chuồng trại chăn nuôi.

Sau 5 năm, 2 bò cái đã sinh sản, phát triển được gần chục con. Tiền lãi bán bò hằng năm, gia đình đầu tư thêm vào nuôi heo, nuôi gà và trồng rau màu, cải thiện thu nhập. “Mỗi năm, 2 con bò giống đẻ được 2 con. Nhờ nuôi bò, heo, gà... gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định và đã thoát nghèo", ông Lư phấn khởi nói.

Ông Lê Lư, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng, phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Lê Lư, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng, phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cách đây 4 năm, ông Huỳnh Nông (60 tuổi), ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng. Ông Nông sử dụng số tiền trên để mua 2 con nghé, trong đó có 1 nghé cái và 1 nghé đực. Nghé đực sau một thời gian nuôi, ông bán để trả nợ ngân hàng. Còn nghé cái sau 4 năm đã sinh sản được 3 nghé con. Vợ chồng ông duy trì nuôi 2 con bò cái giống sinh sản, số bò còn lại, ông bán để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Trung bình mỗi con bò thịt, sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông lãi hơn 10 triệu đồng.

Giữa tháng 11/2023, ông Nông tiếp tục được hỗ trợ vay thêm 70 triệu đồng để đóng giếng và mua thêm 2 bò cái giống, sửa chữa chuồng trại. Ngoài ra, ông còn nuôi heo, gà để lấy ngắn nuôi dài. “Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, lo cho các con ăn học nên người”, ông Nông chia sẻ. 

Năm 2017, chị Trần Thị Thu Lịnh, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà mở xưởng may công nghiệp tại nhà để giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình và một số lao động tại địa phương. Do nguồn vốn ít ỏi nên chị vay thêm từ Ngân hàng CSXH để mua 20 máy may. Việc kinh doanh thuận lợi nên chị đã mở rộng quy mô sản xuất và thành lập Công ty TNHH may mặc Lý Gia.

Công ty TNHH may mặc Lý Gia, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), giải quyết việc làm cho  hàng chục lao động tại địa phương.
Công ty TNHH may mặc Lý Gia, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, đầu năm 2022, chị Lịnh được Tổ TK&VV thị trấn La Hà tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. “Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư thêm máy móc. Từ đó, tôi thuê thêm nhân công, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa giải quyết được nguồn hàng của công ty”, chị Lịnh cho biết.

Mỗi năm, chị Lịnh giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 55 lao động ở thị trấn La Hà và các xã lân cận, với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. “Các chị tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm việc và hưởng lương theo sản phẩm,  giúp các chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống", chị Lịnh chia sẻ.

Quản lý hiệu quả nguồn vốn vay

Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt gần 445 tỷ đồng, giải quyết cho gần 10 nghìn hộ vay. Để quản lý nguồn vốn vay hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, thị trấn, các khu dân cư, tổ dân phố. Đồng thời, thường xuyên rà soát chất lượng hoạt động của 206 tổ TK&VV, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn người dân xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cách quản lý và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn người dân xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cách quản lý và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn An Hòa Nam Hồ Thị Việt cho hay, tổ  thường xuyên nhắc nhở hộ vay làm ăn có hiệu quả, tham gia sinh hoạt tổ theo quy định. Những hộ không sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, tổ sẽ báo về xã để có hướng tháo gỡ, không để nợ quá hạn, không có nợ tồn đọng.

Sự đa dạng của các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của các hộ khó khăn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Các chương trình đã giúp gần 4.000 lượt hộ nghèo, nhóm chính sách khác được vay vốn, giải quyết cho gần 1.300 lao động có việc làm...

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương xét duyệt đối tượng giải ngân gần 20 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm. Hồ sơ đến đâu giải quyết đến đó, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất thông qua các tổ TK&VV.

Chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm giúp nhiều hộ gia đình thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Đây là một trong những chính sách thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Việc phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH không chỉ góp phần tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:32, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.