Dấu ấn của năm tăng tốc

15:13, 07/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2023, tỉnh ta dự báo tăng trưởng âm (-3,5% đến -3%); đồng thời sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, do bị tác động bởi những bất lợi của nền kinh tế trong nước và thế giới, cả những hạn chế trong nội tại của nền kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, tỉnh ta đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra; khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng; phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền không ngừng đổi mới... Có 24/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt, vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,03%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng 68,2%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.193USD, tăng 1,1%; thu ngân sách trên địa bàn vượt 22% dự toán trung ương giao và 19,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng 38.181 tỷ đồng, tăng 14,7%. Công tác chuyển đổi số có bước đột phá mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng ngày càng được thu hẹp.

Tỉnh ta cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ rất quan trọng, đó là: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045; hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050... Tổ chức nhiều hoạt động tạo dấu ấn quan trọng đối với tỉnh, như: Tổ chức được nhiều đoàn công tác ra nước ngoài để mở rộng quan hệ hợp tác, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xúc tiến thu hút đầu tư; Hội nghị Giới thiệu Quảng Ngãi tại Hà Nội...
Những kết quả đạt được nêu trên là thành quả của tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng bộ; sự đồng thuận, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời đưa ra những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, tỉnh ta cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là, việc sắp xếp cán bộ, công chức và xử lý tài sản dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn. Kinh tế có bước tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp, chưa bền vững; thu hút đầu tư còn hạn chế. Công tác giảm nghèo mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nhiều, thiếu bền vững, nhất là khu vực miền núi...

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có một phần do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi còn đùn đẩy, né tránh, thiếu đồng bộ, không kịp thời... Một bộ phận người dân, nhất là khu vực miền núi còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững...

Do đó, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh ta cần có giải pháp khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế nêu trên. Tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 “Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX”.

BQN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:13, 07/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.