Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

14:44, 11/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngày 2/4, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã kiểm tra hộ kinh doanh do bà N.T.T.T làm chủ ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), phát hiện và tạm giữ 20 quần thể thao nam và 20 áo thể thao nam gắn nhãn hiệu "Adidas" không thể tách rời ra khỏi sản phẩm. Toàn bộ hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sổ sách hay chứng từ liên quan. Đội QLTT số 1 đã gửi công văn đến đại diện theo ủy quyền của Công ty Adidas AG để phối hợp, xác minh. Đại diện công ty có văn bản xác nhận số hàng hóa trên giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra việc lưu thông, buôn bán hàng hóa.                   Ảnh: PV
Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra việc lưu thông, buôn bán hàng hóa. Ảnh: PV

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.T.T ở tỉnh Vĩnh Long vì hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Trước đó, ngày 23/3, tại TX.Đức Phổ, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 khám phương tiện xe ô tô tải 65C-153.33 do ông T.T.T điều khiển, phát hiện bên trong thùng xe chứa hơn 12 nghìn gói (loại 6g/gói) kem xả phục hồi hư tổn nhãn hiệu Dove, hơn 21 nghìn gói (loại 6g/gói) dầu gội óng mượt rạng ngời nhãn hiệu Sunsilk, 720 tuýp (loại 180g/tuýp) kem đánh răng bảo vệ 123 chăm sóc toàn diện nhãn hiệu P/S. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 2 tiến hành thẩm tra, xác minh số hàng hóa trên giả mạo nhãn hiệu của Công ty Unilever đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Trong quý I/2024, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 136 trường hợp (tăng 68 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), phát hiện 116 vụ vi phạm (tăng 62 vụ so với cùng kỳ năm trước), thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 719 triệu đồng. Trong đó, các mặt hàng và các hành vi vi phạm phổ biến như: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán xăng dầu không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; vi phạm vận chuyển xăng dầu nhưng cửa nhập không có niêm phong kẹp chì theo quy định; vi phạm liên quan điều kiện kinh doanh thuốc tân dược. Cục QLTT tỉnh đã phát hiện 13 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về điều kiện kinh doanh thực phẩm...

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trần Xuân Thương cho hay, phần lớn các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không niêm yết giá, vi phạm trong điều kiện kinh doanh thuốc tân dược, nhãn hàng hóa...

“Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... ngày càng tăng cao. Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó, lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở, cá nhân kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng vàng”, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trần Xuân Thương cho hay.

BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:44, 11/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.