Đưa Luật Hòa giải ở cơ sở vào cuộc sống

14:09, 21/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, huyện Nghĩa Hành đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân từng bước được nâng lên, nhiều vụ, việc tranh chấp được giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghĩa Hành Huỳnh Thị Thanh Nga cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, chất lượng công tác hòa giải trên địa bàn huyện được nâng cao. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện trên địa bàn huyện có 75 tổ hòa giải ở cơ sở, với gần 500 thành viên. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn đảm bảo về số lượng, thành phần, cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Để hoạt động đi vào nền nếp, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đều được cấp Sổ theo dõi hoạt động để ghi chép hoạt động hòa giải.

Huyện Nghĩa Hành tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. 		
			          Ảnh: PV
Huyện Nghĩa Hành tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Ảnh: PV

Hằng năm, huyện Nghĩa Hành đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở. Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, hội LHPN, đoàn thành niên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Hội Luật gia tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản luật có liên quan như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Môi trường... 

 Thông qua các hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ, đội ngũ hòa giải viên ngày càng nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Điều này thể hiện qua tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc trên địa bàn huyện ngày càng tăng, góp phần giảm số vụ việc phải đưa ra tòa án hoặc cơ quan nhà nước giải quyết. Trong 10 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiến hành hòa giải 1.247 vụ, việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt gần 90%. Các nội dung, lĩnh vực phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải nhiều nhất là tranh chấp ranh giới đất giữa các hộ gia đình giáp ranh liền kề, khoảng cách ranh giới khi xây tường rào, hôn nhân và gia đình, nước thải chăn nuôi ra môi trường... Kết quả hòa giải thành công đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Bà Huỳnh Thị Thanh Nga cho biết thêm, có những vụ việc chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải được các mâu thuẫn. Hòa giải ở cơ sở không đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà hiệu quả của công tác này chính là ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.

BÁ SƠN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:09, 21/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.