Tăng năng lực ứng phó với thiên tai

14:12, 14/02/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Song, những năm gần đây, thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại về người được giảm ở mức thấp nhất. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực, chủ động của chính quyền các cấp và người dân, còn có sự góp sức của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh.

SÁT THỰC TẾ

Thực tiễn công tác PCTT cho thấy, việc thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác PCTT&TKCN. Vì vậy, trước mỗi mùa mưa bão, Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh tham mưu BCH PCTT&TKCN tỉnh thành lập các đoàn, phân công thành viên về các địa phương để kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, khu vực có nguy cơ cao. Trên cơ sở đó cùng với các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và ứng phó với thiên tai phù hợp với tình hình thực tế. Thông qua Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 theo Quyết định số 553/2021/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh đã thể chế hóa các quy định về công tác PCTT dựa vào cộng đồng. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện về nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai của người dân và cộng đồng, doanh nghiệp.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh luôn chủ động kiểm tra, đánh giá 
hiện trạng, phương án phòng, chống thiên tai tại các công trình, địa phương ngay từ đầu mùa mưa bão.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh luôn chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng, phương án phòng, chống thiên tai tại các công trình, địa phương ngay từ đầu mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN tại các địa bàn xung yếu với các nội dung cụ thể như: Thực binh di dời sơ tán nhân dân, chằng chống nhà cửa, cứu hộ nhà sập; cấp cứu người bị nạn; kỹ năng tự bảo vệ mình trước thiên tai cho học sinh, giáo viên; thực binh hạ thủy ca nô, cứu hộ, cứu nạn vùng bị ngập sâu nguy hiểm...

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh Võ Đoàn cho biết, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt mà Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN thực hiện là duy trì và nâng cao năng lực cho 173 “Đội xung kích phòng chống thiên tai” ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro thiên tai, BCH PCTT&TKCN các địa phương kích hoạt Đội xung kích PCTT sẵn sàng tham gia vào công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, như: Hỗ trợ người dân kê gác tài sản, chằng chống nhà cửa, hoặc di dời và sơ tán dân... Điều này vừa nâng cao năng lực ứng phó PCTT cho chính quyền và lực lượng PCTT ở cơ sở; vừa giúp người dân chủ động thực hiện có hiệu quả các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

TĂNG KHẢ NĂNG DỰ BÁO

Thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng và hoàn thành trên 46km công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng kinh phí hơn 2.336 tỷ đồng. Chính quyền các cấp chú trọng trang bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT; đặc biệt là lắp đặt 10 trạm đo mực nước tự động và 79 trạm đo mưa tự động, trở thành tỉnh có số trạm đo mưa chuyên dùng lớn nhất cả nước. Nhờ đó góp phần tạo nguồn dữ liệu mưa phục vụ dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN các cấp, cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan, góp phần nâng cao năng lực PCTT, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đất sản xuất cũng như các công trình của nhà nước.

Bờ sông Trà Bồng, đoạn qua xã Bình Dương (Bình Sơn),  được đầu tư xây dựng kiên cố.
Bờ sông Trà Bồng, đoạn qua xã Bình Dương (Bình Sơn), được đầu tư xây dựng kiên cố.

Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh cùng với ngành chức năng các cấp trong tỉnh tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng về PCTT cho cộng đồng gắn với thực thi hiệu quả các giải pháp ứng phó phù hợp với từng rủi ro thiên tai; chủ động cung cấp thông tin; chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về PCTT, tìm kiếm cứu nạn trước, trong và sau thiên tai... 

 

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, từ sự tham mưu, đề xuất và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, mà công tác PCTT ngày càng hiệu quả, bám sát vào các tiêu chí, hành động và kết quả cụ thể. Từ việc chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai cụ thể cho từng vùng, địa phương gắn với tuyên truyền, tổ chức thực hành diễn tập các phương án PCTT đến cộng đồng và người dân. Tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ theo phương châm “4 tại chỗ” giữa các lực lượng cũng như chính quyền các địa phương theo hướng quyết liệt, bám sát, chỉ huy trực tiếp tại địa bàn, các khu vực trọng điểm, xung yếu...

Trên cơ sở tham mưu của Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, thời gian qua, BCH PCTT&TKCN tỉnh cũng đã đề xuất tỉnh đầu tư thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu PCTT và phần mềm cảnh báo lũ sớm nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ huy, chỉ đạo PCTT ở các cấp và cộng đồng; lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo ngập ở các ngầm tràn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo PCTT tỉnh... Điều này giúp công tác chỉ đạo, điều hành PCTT kịp thời và hiệu quả hơn. Với những nỗ lực trên, Quảng Ngãi dẫn đầu cả nước về công tác PCTT, với 82,4 điểm theo Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2022.

Bài, ảnh: PHONG PHƯỚC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
 

Xuất bản lúc: 14:12, 14/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.