Văn hóa nêu gương trong Đảng

09:18, 02/10/2023
.

(Báo Quảng ngãi)- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nói ít làm nhiều, nói được làm được. Tránh thói ba hoa, chống thói nói một đằng làm một nẻo.

Đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở tổ dân phố 4, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). 
ẢNH: THANH THUẬN

Đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở tổ dân phố 4, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). ẢNH: THANH THUẬN

Cán bộ, đảng viên phải nêu gương   
Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, dù hoạt động trong bí mật suốt hơn 15 năm, nhưng sự nêu gương của những đảng viên như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Ngô Gia Tự... đã làm nên tính tiên phong cách mạng, sức mạnh, uy tín, danh dự của Đảng. Nhìn lại chặng đường cách mạng vẻ vang hơn 93 năm qua kể từ khi có Đảng, Đảng hiện diện, kết tinh và tỏa sáng vị thế, sức mạnh và uy tín qua mỗi đảng viên. Nêu gương trở thành một trong những phương thức hoạt động của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải là người lãnh đạo và là những tấm gương để quần chúng, nhân dân noi theo. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên càng lớn.

Do tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức và coi việc “nêu gương” là việc làm hằng ngày, thường xuyên, liên tục, là danh dự, phẩm giá của mình và là trách nhiệm đối với Đảng với dân, với nước.

Coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức 
Để làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta mãi mãi là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương”. Mỗi đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu; phải thấm nhuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện tốt nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.

Trước hết, đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là “nhân, trí, dũng, liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ.

Ðối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân. Đối với cấp dưới, “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn...”. Đối với quần chúng, phải gắn bó với quần chúng, lấy quyền, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng làm điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, chính sách. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.

Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Ba mối quan hệ ấy chứa đựng nhiều nội dung cụ thể rất phong phú và  cũng biến đổi theo từng thời kỳ phát triển của cách mạng. Hiện nay, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế... đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của các yếu tố thời đại, ba mối quan hệ đó chứa đựng nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và phải được cụ thể hóa, thậm chí thể chế hóa trong nêu gương và noi gương.

Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta có được không chỉ là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, sự hy sinh quên mình và những tấm gương mẫu mực, trong sáng về tinh thần tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, mà còn do “thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, mỗi người lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành và địa phương đã nêu gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

ĐẠI NGHĨA 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:18, 02/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.