KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ TẤN TỎA (5/5/1924 - 5/5/2024):

Một đời cống hiến cho cách mạng

10:16, 05/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 90 tuổi đời, gần 70 tuổi Đảng, trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tham gia công tác sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Tấn Tỏa luôn là người cán bộ, người đảng viên cộng sản “trung với nước, hiếu với dân”.   

Sớm giác ngộ cách mạng

Đồng chí Lê Tấn Tỏa sinh ngày 5/5/1924 tại thôn Trung An, xã Bình Chánh, nay là xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với chức vụ Trưởng ban Khởi nghĩa và Trưởng ban Quân sự xã Bình Chánh, đồng chí tham gia vận động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết đồng chí Lê Tấn Tỏa trong dịp Tết năm 2012.      Ảnh: T.L
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết đồng chí Lê Tấn Tỏa trong dịp Tết năm 2012.      Ảnh: T.L

Tháng 8/1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, đồng chí cùng chi bộ lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, đưa xã Bình Chánh trở thành là một trong 3 xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành xóa nạn mù chữ. Từ năm 1948 - 1950, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Kiểm tra, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức.

Trong thời gian này, cùng với sự đánh phá của thực dân Pháp vào các xã ven biển là thiên tai, hạn hán xảy ra 2 năm liền làm mùa màng mất trắng, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi trong huyện. Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Sơn lãnh đạo nhân dân tích cực khai hoang vỡ hóa, tăng gia sản xuất, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua nạn đói.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (lần thứ hai), làm nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại bộ máy lãnh đạo, đưa cán bộ đi tập kết và phân công cán bộ ở lại địa phương, thực hiện chuyển hướng hoạt động vào bí mật cho phù hợp với tình hình. Năm 1956, đồng chí được phân công phụ trách công tác binh vận, xây dựng cơ sở ở 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ.

Đến năm 1957, đồng chí được điều trở về giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (lần thứ ba). Tháng 9/1960, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Quân sự. Năm 1961, đồng chí được điều động giữ chức vụ Ủy viên, sau đó là Phó ban Tổ chức Khu ủy 5, Bí thư Đảng ủy cơ quan Dân chính Đảng Khu ủy 5. Tháng 8/1969, đồng chí trở về Quảng Ngãi, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Ban đấu tranh Chính trị - Binh vận và Thị xã Quảng Ngãi. Tháng 10/1971, đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức, Ban An ninh, Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1973, đồng chí trúng cử Khu ủy viên Khu 5. Thời gian này, đồng chí Lê Tấn Tỏa cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân vùng giải phóng kiên cường bám trụ, nêu cao quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”, kiên quyết đánh bại âm mưu lấn đất, giành dân của địch, lần lượt giải phóng các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sông Rhé. Khi thời cơ đến, đồng chí cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đồng loạt nổi dậy, tấn công tiêu diệt địch từ miền núi đến thị trấn, thị xã, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng toàn tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 
    
Tất cả vì nhân dân 

Sau giải phóng, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Khi 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hợp nhất, đồng chí tiếp tục được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa IV và là Ủy viên Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chăm lo xây dựng khối đoàn kết nội bộ, tập trung chỉ đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang phục hóa, ra sức lao động sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Trong cuốn “Hồi ký những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước” của đồng chí Lê Tấn Tỏa, điều đáng quý ở ông là luôn đặt 2 chữ “nhân dân” lên trên hết. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông không được gặp gia đình, con cái suốt 12 năm trời. Ông luôn căn dặn con cháu dù có làm gì, nắm giữ chức vụ gì cũng sống đúng như lời Bác Hồ dạy là phải đặt 2 chữ “nhân dân” lên trên hết. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp quần chúng nhân dân, cá nhân mỗi người tham gia chỉ như hạt cát ở sa mạc, như giọt nước ở biển cả... Viết lại ít dòng hồi ký để ôn lại cuộc đời của mình, để tưởng nhớ lại các đồng chí cùng mình hoạt động và cũng để lại cho con cháu mai sau biết được sự gian nan khổ cực trong thời thuộc Pháp, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm chống Mỹ của huyện và tỉnh nhà...    

Noi gương các bậc tiền bối

Với những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ý thức sâu sắc rằng, có được những thành quả như ngày hôm nay là có sự hy sinh xương máu và công sức to lớn của các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có đồng chí Lê Tấn Tỏa. Những thành quả cách mạng trong suốt chiều dài đấu tranh giải phóng quê hương, xây dựng và phát triển tỉnh nhà sau ngày giải phóng đến nay là tiền đề, tài sản to lớn cho các thế hệ chúng ta hôm nay tiếp nối, tiếp tục giữ gìn, phát triển, phát huy để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX đề ra.

Học tập và noi gương đồng chí và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Tấn Tỏa, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; khơi dậy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung vào năm 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

THANH THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:16, 05/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.