Hội Nông dân tỉnh: Đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 

18:12, 11/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của công tác hội và phong trào nông dân. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò nòng cốt của tổ chức hội trong quá trình phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại và đã tạo được nhiều dấu ấn nổi bật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (thứ hai, bên phải) tìm hiểu một số sản phẩm  OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh trưng bày, giới thiệu.  Ảnh: PV
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (thứ hai, bên phải) tìm hiểu một số sản phẩm  OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh trưng bày, giới thiệu.  Ảnh: PV
                      
Đề cao trách nhiệm của tổ chức cơ sở hội
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Tấn Lãm nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã thể hiện rõ vai trò của tổ chức hội trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân. Điều đó cho thấy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội hết sức quan trọng. Vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tới, đòi hỏi các cấp hội nông dân trong tỉnh phải tập trung xây dựng tổ chức hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động; xây dựng, thu hút, tạo nguồn đội ngũ cán bộ hội trẻ, năng động, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “tri thức hóa nông dân”. Có như vậy, người nông dân mới đứng vững trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình theo định hướng phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Công tác xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức hội luôn được Hội Nông dân tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, là công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên. Do đó, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội nông dân trong tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Trong đó, đặc biệt chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao trách nhiệm của người cán bộ hội trong vai trò trở thành “thủ lĩnh” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân và là “điểm tựa” vững chắc để hội viên triển khai thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác hội và phong trào nông dân. Công tác chỉ đạo, điều hành, ký số, truyền tải thông tin thông qua các phần mềm, mạng xã hội được các cấp hội đẩy mạnh thực hiện.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân còn phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa bí thư cấp ủy với hội viên nông dân, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các kiến nghị chính đáng, tạo sự đồng thuận trong nông dân.

Ngoài ra, việc sinh hoạt ở các chi hội từng bước được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất, nâng cao đời sống hội viên. Nhờ đó, đã thu hút, tập hợp đông đảo nông dân tham gia vào các phong trào ở địa phương.

Hội Nông dân tỉnh bàn giao nhà đại đoàn kết cho hội viên nông dân nghèo ở xã Đức Phong (Mộ Đức).   ẢNH: MỸ DUYÊN
Hội Nông dân tỉnh bàn giao nhà đại đoàn kết cho hội viên nông dân nghèo ở xã Đức Phong (Mộ Đức).   ẢNH: MỸ DUYÊN

Trong 5 năm qua, đã có hơn 12 nghìn lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức kết nạp được hơn 37 nghìn hội viên mới, nâng tổng số hội viên đến nay là hơn 158 nghìn người. Phong trào thi đua yêu nước và 3 phong trào thi đua lớn của hội được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng thực hiện. Hằng năm, có 100% hội nông dân cấp huyện, hơn 97% cơ sở hội và trên 90% chi hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đồng hành cùng hội viên, nông dân
          
Để nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên, nông dân, những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, để nâng tầm chất lượng của sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. Trong 5 năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thành lập mới 35 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã, 4 câu lạc bộ nông dân cùng sở thích và phối hợp xây dựng 512 mô hình kinh tế hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất. 
ẢNH: HND
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất.  ẢNH: HND

Các cấp hội nông dân trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác ủy thác, tín chấp cho hội viên vay các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh đạt hơn 60 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt nông dân vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, các cấp hội còn kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 45 nghìn lượt hội viên nông dân vay vốn, với tổng dư nợ trên 2.800 tỷ đồng.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) là một trong những đơn vị điển hình về phát triển sản xuất, nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Dẫn chúng tôi tham quan quy trình sản xuất của HTX, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong tự hào về thành quả vượt khó theo đuổi đam mê sản xuất nấm của mình. Với khát vọng làm giàu, anh Phong đã dành thời gian đến các trại nấm linh chi ngoài miền Bắc để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và đã thực hiện thành công. Nhằm phát triển kinh tế từ việc trồng nấm, năm 2011, anh Phong thành lập HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận. Để có vốn, anh Phong đã liên hệ và được Hội Nông dân tỉnh giải ngân 300 triệu đồng, giúp anh có tiền đầu tư sản xuất. “Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh thật sự là đòn bẩy giúp tôi mở rộng, phát triển HTX sản xuất nấm của mình. 

Nông dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có nguồn thu nhập khá từ trồng hoa.
                                    ẢNH: MỸ DUYÊN
Nông dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có nguồn thu nhập khá từ trồng hoa.                                     ẢNH: MỸ DUYÊN
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đầu tư xây dựng vườn ươm xương rồng, sen đá, phát triển kinh tế gia đình.            ẢNH: MỸ DUYÊN
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đầu tư xây dựng vườn ươm xương rồng, sen đá, phát triển kinh tế gia đình.            ẢNH: MỸ DUYÊN

Đến nay, HTX đã có 8 dòng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mang lại doanh thu cho HTX 3,5 tỷ đồng/năm. Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn, năm 2023, HTX tiếp tục được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, giúp HTX có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu nấm Đức Nhuận, để tiếp cận với nhiều thị trường trên cả nước”, anh Phong cho hay.

Các cấp hội nông dân trong tỉnh còn phối hợp với các đơn vị cung ứng trên 10 nghìn tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm, với tổng số tiền 110 tỷ đồng; kết nối hỗ trợ trên 126 nghìn cây giống các loại; tặng 140 máy nông nghiệp trị giá trên 30 tỷ đồng cho hội viên, nông dân. Cùng với đó, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân hỗ trợ hơn 8.600 ngày công lao động, đóng góp hơn 4,4 tỷ đồng và cây giống, con giống các loại, với trị giá 2,7 tỷ đồng, để giúp đỡ hàng trăm hội viên nông dân nghèo, không may gặp rủi ro, ốm đau đột xuất...

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của hội theo hướng sáng tạo, hiệu quả, đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức hội. Kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền với việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

 

Bài, ảnh: XUÂN DUYÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

   




 

 

Xuất bản lúc: 18:12, 11/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.