Từ 10 -15.12, thông nước Thạch Nham phục vụ sản xuất đông xuân

08:12, 02/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty KTCTTL) Đặng Huy Lâm khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về việc khắc phục hư hỏng của hệ thống công trình thủy lợi sau đợt lũ vừa qua.

Ông Lâm cho biết, trận lũ lớn xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi từ ngày 3.11 đến ngày 7.11.2017 đã gây hỏng nặng các công trình kênh mương, nhất là kênh chính Bắc, kênh B6, B7... thuộc công trình thủy lợi Thạch Nham. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, Công ty KTCTTL đang triển khai sửa chữa, khắc phục một số điểm sạt lở, phấn đấu sớm thông nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017-2018.

PV: Khó khăn mà công ty đang đối mặt trong khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua là gì, thưa ông?

Ông Đặng Huy Lâm: Qua kiểm tra thực tế, trận lũ vừa qua làm hư hỏng khá nặng các công trình thủy lợi do đơn vị chúng tôi quản lý và vận hành. Có đến 350 điểm trên toàn hệ thống thủy lợi do công ty quản lý bị sạt lở phải sớm khắc phục; ước tổng thiệt hại khoảng 27 tỷ đồng. Trong khi khả năng tài chính của công ty có hạn, nên chỉ có thể sửa chữa một phần công trình hư hỏng. Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh sạt bờ, sạt mái bê tông; khối lượng đất đá bồi lấp lòng kênh quá lớn, nên không thể khắc phục bằng thủ công mà phải sử dụng cơ giới. Không những thế, ở một số nơi còn ngập nước, nên việc vận chuyển máy móc vào khu vực cần sửa chữa rất khó khăn...

PV: Với khó khăn đó, liệu việc khắc phục có kịp thông nước phục vụ xuống giống đại trà vụ đông xuân vào ngày 25.12? Đơn vị cần sự hỗ trợ gì từ tỉnh và các địa phương?

Ông Đặng Huy Lâm: Trước mắt, chúng tôi tạm ứng trên 2,5 tỷ đồng đầu tư sửa chữa phần hư hỏng nhỏ để thông nước. Còn để khôi phục hiện trạng ban đầu của kênh mương, công trình thủy lợi thì cần có thời gian, nguồn đầu tư lớn và thời tiết thuận lợi cho việc triển khai thi công. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và nỗ lực của cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị, chúng tôi phấn đấu khoảng 10 - 15.12 sẽ thông nước Thạch Nam. Sau đó 5 – 7 ngày mở kênh cấp dưới, tùy theo nhu cầu nước phục vụ sản xuất đông xuân của từng vùng, từng địa phương.

 

Các đơn vị khẩn trương nạo vét kênh mương bị bồi lấp, để sớm thông nước phục vụ sản xuất.  Ảnh: PV
Các đơn vị khẩn trương nạo vét kênh mương bị bồi lấp, để sớm thông nước phục vụ sản xuất. Ảnh: PV

Trong vụ đông xuân 2017-2018, đơn vị chúng tôi đảm nhận tưới tiêu cho hơn 23.000ha lúa và phục vụ nước cho khu kinh tế, các khu công nghiệp hoạt động, nên khối lượng công việc rất lớn.

Trong chỉ đạo khắc phục hậu quả trận lũ vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng nhấn mạnh: Ưu tiên bố trí nguồn lực khắc phục hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống kênh mương, thủy lợi, nhằm đảm bảo nước tưới cho vụ sản xuất đông xuân 2017-2018. Hạn chế thấp nhất diện tích bị bỏ hoang, không gieo sạ được do thiếu nước, sa bồi thủy phá... Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí, để công ty sớm khắc phục và kiên cố hóa một số công trình xung yếu.

Đối với chính quyền các địa phương và người dân vùng hưởng lợi, chúng tôi mong có sự đồng hành bằng việc khẩn trương huy động ngày công xã hội chủ nghĩa, để nạo vét, thông kênh mương; sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi do địa phương quản lý bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho sản xuất.

PV: Quảng Ngãi đã và đang thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương, giai đoạn 2016-2020, nhưng vì sao vẫn còn tình trạng kênh mương "cứ lũ là hỏng”?

Ông Đặng Huy Lâm: Tôi được biết, toàn tỉnh hiện có 708 công trình thủy lợi đã đưa vào quản lý, khai thác, với tổng chiều dài kênh mương các loại đến 4.275km. Đến thời điểm này đã kiên cố hóa được khoảng 1.700km kênh mương. Hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất, hay bị sạt lở, bồi lắng khi mưa lũ. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương đang là yêu cầu cấp thiết.

Là đơn vị quản lý, vận hành nhiều công trình thủy lợi lớn trên địa bàn Quảng Ngãi, tôi hy vọng thời gian đến, nguồn lực đầu tư kiên cố hóa kênh mương sẽ tương xứng hơn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của mưa lũ đối với hệ thống hồ đập, kênh mương trong tỉnh.  

THANH TOÀN
(thực hiện)

 

.