Kỳ cuối: Trên quê hương hải đội Hoàng Sa hôm nay

03:04, 30/04/2013
.

(QNĐT)- Lý Sơn, quê hương của hải đội Hoàng Sa không chỉ là đảo tiền tiêu, giữ một vị trí chiến lược trên vùng Biển Đông, mà từ lâu Lý Sơn còn nổi tiếng với biệt danh vương quốc hành, tỏi và là địa danh của nhiều di tích lịch sử… Những năm gần đây, Lý Sơn đã có những phát triển đáng kể và trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách.

TIN LIÊN QUAN


Mạnh về kinh tế biển

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10km2, tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km, gồm 2 đảo nằm cách nhau khoảng 1,67 hải lý là đảo Lớn (Cù Lao Ré) gồm 2 xã An Vĩnh, An Hải và đảo Bé (xã An Bình).

Là một huyện đảo với hơn 21 ngàn người, tuy nhiên chỉ chưa đầy 40% dân số trên đảo sống bằng nghề khai thác trên biển, còn lại là sản sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cây hành, tỏi và các ngành nghề khác. Tuy nhiên thế mạnh của huyện đảo Lý Sơn vẫn là kinh tế biển.

 

Kinh tế biển trở thành thế mạnh của huyện đảo Lý Sơn (Trong ảnh: Tàu thuyền ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi).
Kinh tế biển là thế mạnh của huyện đảo Lý Sơn (Trong ảnh: Tàu thuyền ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi).


Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Ngư nghiệp từ lâu là ngành kinh tế mũi nhọn của người dân huyện đảo. Toàn huyện có 419 chiếc tàu, với tổng công suất trên 43.300 mã lực, với tổng số lao động trực tiếp trên biển trên 3.000 người. Năm 2012, tổng sản lượng khai thác hải sản của người dân trên đảo đạt gần 35.000 tấn với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng (chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện).

Cũng theo ông Trần Ngọc Nguyên thì với thế mạnh là đánh bắt, khai thác hải sản, những năm qua, ngư dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán tàu cá có công suất lớn để vươn khơi bám biển. Việc vươn khơi xa bám biển không chỉ nâng hiệu quả trong khai thác đánh bắt hải sản mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Hiện nay, tàu thuyền ngư dân Lý Sơn đã có mặt trên khắp vùng biển của Việt Nam từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa.

 

Thu mua cá tại bến cảng Lý Sơn.
Thu mua cá tại bến cảng Lý Sơn.

Ngư dân Phạm Quang Thạnh, xã An Vĩnh chia sẻ: Với ngư dân mình tàu là nhà, biển là quê hương. Biển đã nuôi sống mình, cho ta con cá, con tôm… Mấy năm gần đây, chúng tôi đã đầu tư tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển. Với ngư dân Lý Sơn thì Hoàng Sa bao đời nay là ngư trường truyền thống. “Mặc dù, thời gian qua, tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn luôn gặp khó khăn khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, thế nhưng chúng tôi không vì thế mà nản lòng, vẫn quyết tâm bám biển. Hoàng Sa là vùng biển mà hàng trăm năm qua ông cha mình đã đánh bắt, vì thế không lý do gì mà mình không ra Hoàng Sa”- Ngư dân Phạm Quang Thạnh quả quyết.

Không chỉ mạnh về kinh tế biển mà Lý Sơn được biết đến như một "vương quốc" của hành, tỏi. Nằm giữa vùng biển miền Trung nên đảo Lý Sơn có đặc điểm khí tượng thủy văn, hải văn rất điển hình của vùng nhiệt đới gió mùa, có độ mặn cao và ổn định. Với những đặc trưng riêng về thổ nhưỡng, khí hậu nên hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng với vị thơm, ngon không nơi đâu sánh được. Năm 2009, hành, tỏi Lý Sơn được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và cấp nhãn hiệu độc quyền.

Hấp dẫn về du lịch

Theo các nhà địa chất, Lý Sơn được hình thành cách đây vài triệu năm do vận động phun trào nham thạch của núi lửa đã nâng những lớp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển. Chính những yếu tố đặc biệt của địa chất và thiên nhiên nên con người Lý Sơn cũng có một cái gì đó rất đặc biệt, đằm thắm hơn so với người dân các vùng biển khác của Quảng Ngãi.

 

Huyện đảo Lý Sơn đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách khắp nơi.
Huyện đảo Lý Sơn đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách khắp nơi.

Địa hình Lý Sơn trông xa như 5 ngọn núi nhô cao giữa biển. Không chỉ vậy, nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn là nơi có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, như Giếng Tiền, Thới Lới, Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu. Đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử trên núi Giếng Tiền, Thới Lới. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật quý giá của các nhóm cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm tại Xóm Ốc, Suối Chình…

Lý Sơn còn là nơi hội tụ của nhiều di tích lịch sử văn hóa và một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Từ năm 2007, tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận và khai trương tuyến du lịch “Biển đảo Lý Sơn”, gồm các điểm du lịch theo tuyến chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, miệng núi lửa, di tích lịch sử Hải đội Trường Sa-Hoàng Sa, Âm linh tự và một số ngôi nhà cổ tại huyện Lý Sơn.  
   
Ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, sau khi huyện Lý Sơn khai trương tuyến du lịch biển đảo năm 2007, hoạt động du lịch của huyện đã khởi sắc đáng kể. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cũng được hình thành cùng với các dịch vụ xe đưa đón khách tham quan… Nhờ vậy lượng khách đến với Lý Sơn ngày càng đông.
 
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã đặt vấn đề với huyện Lý Sơn để đưa vào khai thác loại hình du lịch sinh thái biển đảo và du lịch dựa vào cộng đồng. Đó là đưa du khách vào ở trong các nhà dân, nhà cổ, đồng thời tìm hiểu văn hóa lịch sử của huyện đảo.
 
Ông Nguyễn Điện Biên-Giám đốc công ty Công ty TNHH truyền thông và Du lịch Lý Sơn cho biết, Lý Sơn có những điều kiện du lịch hết sức độc đáo mà không nơi nào có được, đó là du lịch sinh thái biển và tìm hiểu di tích lịch, văn hóa. Hiện công ty xúc tiến để đưa vào khai thác loại hình du lịch lặn biển, ngắm san hô, câu cá và nghe hát nhạc cổ. Ngoài ra, nếu khách có nhu cầu thì sẽ đưa khách lưu trú tại những ngôi nhà cổ trên huyện đảo.

Lý Sơn đã và đang có những phát triển đáng kể, nhất là vài năm gần đây huyện đảo đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án lớn, điển hình như hồ chứa nước trên đỉnh núi Thới Lới, công trình bờ kè chống sạt lở và đường công vụ trên đảo. Hiện nay, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo… Tin rằng với những thế mạnh của mình, trong những năm đến Lý Sơn sẽ có bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là quê hương của những hùng binh năm xưa.
 


Bài, ảnh: M.Toàn



 

CÁC TIN KHÁC
.