Cơ chế, chính sách phát triển rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng:
Làm khó cả người trồng rừng lẫn doanh nghiệp

08:06, 10/06/2012
.

(QNg)- Nếu năm 2001, Việt Nam xuất khẩu 600.000 tấn dăm, gỗ thì đến năm 2011 con số đó lên đến 5,4 triệu tấn, đưa nước ta lên vị thế xuất khẩu gỗ dăm hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành đã bộc lộ nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng rừng.

Trước năm 2011, nhờ những cơ chế chính sách thông thoáng cũng như sự ưu đãi của Nhà nước, người trồng rừng và các doanh nghiệp kinh doanh gỗ rừng trồng gặp rất nhiều thuận lợi. Nhờ đó, nhiều vùng đồi núi trọc ở Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung được phủ xanh, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao đời sống cho người trồng rừng và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh gỗ rừng trồng. Vị thế mặt hàng dăm, gỗ xuất khẩu của Việt Nam từ đó cũng được nâng lên.

Khi Nhà nước "mở"

Trước năm 2000, cả nước chỉ có 4 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Mỗi năm các doanh nghiệp này thu mua và chế biến 600.000 tấn dăm khô tương đương với 1,3 triệu m3 gỗ lóng. Thị trường xuất khẩu hẹp, chủ yếu xuất thông qua các Công ty của Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... Giá xuất khẩu thấp nên các công ty chỉ thu mua tại nhà máy 300.000 đồng/tấn gỗ lóng. Do việc tiêu thụ chậm, giá thấp nên người dân không mặn mà với việc trồng rừng.

Nhiều lao động được giải quyết việc làm nhờ hoạt động thu mua chế biến gỗ của các DN.
Nhiều lao động được giải quyết việc làm nhờ hoạt động thu mua chế biến gỗ của các DN.


Đến giai đoạn 2000- 2005, thực hiện Quyết định số 661/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực Dự án trồng 5 triệu ha rừng, các địa phương trong nước đã trồng được hơn 2,33 triệu ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 37%. Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương thực hiện dự án này tương đối có hiệu quả. Từ đó các công ty chế biến gỗ rừng trồng được thành lập khắp các tỉnh, thành trong cả nước với 20 công ty và 29 nhà máy chế biến gỗ, chủ yếu là dăm gỗ xuất khẩu. Năm 2005, các doanh nghiệp trong cả nước chế biến đạt 2,4 triệu tấn dăm khô, với giá thu mua từ 500.000- 750.000 đồng/tấn.

Thị trường xuất khẩu dăm, gỗ được mở rộng, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan... Người dân được hưởng lợi lớn từ dự án 5 triệu ha rừng, nên tốc độ phát triển rừng trong giai đoạn này tăng từ 15- 20%. Riêng các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam tăng từ 30- 35%, độ che phủ rừng đạt 42% trở lên. Với Quảng Ngãi, đất rừng trong giai đoạn này trở nên khan hiếm, bởi phong trào trồng rừng nguyên liệu đã lan toả khắp nơi. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ, dăm xuất khẩu tại KKT Dung Quất, KCN Quảng Phú, Tịnh Phong.

Đến giai đoạn 2006- 2011, Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn này. Chính phủ ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển rừng sản xuất 2007- 2015. Nhờ đó, trong giai đoạn này cả nước trồng mới từ 150.000 - 250.000 ha rừng sản xuất. Số lượng nhà máy, công ty kinh doanh gỗ dăm xuất khẩu cũng tăng lên đáng kể. Hiện cả nước có 80 nhà máy của 53 công ty được thành lập.

Các nhà máy đã thu mua chế biến đạt trên 5,4 triệu tấn dăm, gỗ khô, tương đương với 13 triệu m3 gỗ rừng trồng và 3 triệu m3 gỗ có đường kính trên 14 cm trở lên cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Tại Quảng Ngãi đã trồng được 33 ngàn ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng đến năm 2010 lên 45%. Thu hút trên 10 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhá máy chế biến dăm, gỗ xuất khẩu, chủ yếu tại KKT Dung Quất, tạo nên sự cạnh tranh về giá thu mua giữa các nhà máy nên người trồng rừng được hưởng lợi, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân các huyện miền núi trong tỉnh. Hiện nay, giá thu mua gỗ nguyên liệu của các doanh nghiệp giao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/m3.

Bất cập từ một số cơ chế, chính sách

Bên cạnh những chính sách ưu đãi của Nhà nước thì hiện nay người trồng rừng và doanh nghiệp vẫn còn vướng một số cơ chế, chính sách. Cụ thể là, Thông tư 157 của Bộ Tài chính đã áp thuế xuất khẩu 5% đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu dăm, gỗ (trước đây 0%). Theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại KKT Dung Quất, cách  áp thuế này đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ trong quí I/2012 và làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng rừng.

Diện tích rừng trồng ở tỉnh ta thời gian qua đã tăng đáng kể.
Diện tích rừng trồng ở tỉnh ta thời gian qua đã tăng đáng kể.

Trước đây, cứ mỗi tấn dăm xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ lợi nhuận từ 2- 3 USD. Thế nhưng khi áp dụng thuế xuất khẩu 5% thì doanh nghiệp phải gánh thêm gần 7 USD/tấn dăm khô. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp đã lỗ từ 4- 5 USD/tấn dăm khô. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để không bị thua lỗ họ sẽ phải hạ giá mua nguyên liệu từ 1,2 triệu đồng/tấn gỗ xuống dưới 1 triệu đồng. Và trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay thì giá nguyên liệu thu mua vào sẽ tiếp tục giảm từ 10 -15%.

Được biết, giá bán gỗ, dăm trên thị trường thế giới đã có sẵn nên  doanh nghiệp trong nước không thể tự nâng giá bán. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa kịp thương thảo giá bán với đối tác nước ngoài nhưng "bị" áp thuế 5% lên mặt hàng hàng dăm, gỗ xuất khẩu thì doanh nghiệp thua lỗ là điều tất yếu. Một doanh nghiệp ở KKT Dung Quất cho rằng, doanh nghiệp ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, nếu nâng giá bán thì chẳng khác gì đẩy mình vào đường cùng, vì mất thị phần, các đối tác nước ngoài sẽ chọn mua ở các nước khác trong khu vực có giá bán rẻ hơn. Như vậy, việc áp mức thuế xuất 5% đối với doanh nghiệp là đồng nghĩa với việc  "đánh trực tiếp" vào thu nhập người trồng rừng. Mà một khi quyền lợi của người lao động không đảm bảo thì khả năng bỏ rừng là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Đẵng- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam cho rằng, việc kiểm dịch dăm gỗ xuất khẩu theo Điều 3 Thông tư 01/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 3/1/2012 cũng không phù hợp. Bởi không phải nước nào cũng yêu cầu phải kiểm dịch dăm gỗ. Vì vậy, Hải quan chỉ nên kiểm dịch khi nước nào yêu cầu kiểm dịch. Ông Nguyễn Tấn Gương, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết: "Ở Quảng Ngãi có những trường hợp người trồng rừng lợi dụng khai thác lén gỗ rừng tự nhiên trộn vào gỗ rừng trồng để bán cho nhà máy dăm. Vì thế trong thời gian qua, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với nhà máy dăm để loại bỏ trường hợp dân trộn gỗ rừng phòng hộ với gỗ rừng trồng".

 

Tuy nhiên, việc áp dụng nguồn gốc kiểm lâm theo Thông tư 01 của Bộ NN&PTNT có nhiều vướng mắc trong khai thác và vận chuyển tiêu thụ gỗ rừng trồng. Bởi tùy vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà rừng trồng ở mỗi địa phương có sự sinh trưởng phát triển khác nhau. Hơn nữa khi người trồng rừng muốn bán sản phẩm thì được quyền quyết định tùy theo nhu cầu. Bên cạnh đó, người trồng rừng cũng như doanh nghiệp cần được tự do lưu thông. Bởi nếu mỗi lần người trồng rừng bán sản phẩm phải có kiểm lâm đến kiểm tra như quy định tại Thông tư 01 sẽ ảnh hưởng đến người trồng rừng, đặc biệt là những người đi thu mua.

 

*Ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Cần nghiên cứu và đề xuất các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người trồng rừng. Đồng thời Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phong trào phủ xanh đồi trọc nhằm cải thiện môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh trong sản xuất chế biến lâm nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng và kinh doanh rừng trồng.

*Ông Nguyễn An Điềm- Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định: Chính phủ không nên áp mức thuế 5% lên dăm, gỗ xuất khẩu. Bởi cách áp thuế này là đồng nghĩa với việc "đánh" vào người trồng rừng. Trước mắt, đề nghị Chính phủ nên duy trì việc áp dụng thuế suất bằng 0% đối với sản phẩm dăm, gỗ xuất khẩu trong thời hạn một chu kỳ trồng rừng từ 6-7 năm để có thời gian chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp và chuẩn bị điều kiện đầu tư cho các dự án chế biến.

*Ông Lê Tiến Dũng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân: Hiện các nhà máy giấy của khu vực miền Trung vẫn chưa hoàn thiện và chưa đưa vào sử dụng. Chừng nào có nhà máy giấy đi vào hoạt động thì việc đánh thuế xuất khẩu 5% để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước mới phù hợp. Bởi khi bán trong nước mà bằng giá lại không chịu thuế xuất thì chắc chắn người trồng rừng sẽ bán nguyên liệu cho các nhà máy trong nước.

*Ông Nguyễn Nị-Giám đốc Cty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất: Để vận chuyển được gỗ rừng trồng ra khỏi rừng thì mất 3 ngày. Tuy nhiên, như ở huyện Bình Sơn với 25 xã, thị trấn mà chỉ có 5- 6 kiểm lâm thì lấy đâu đủ lực lượng để kiểm tra, xác nhận theo Thông tư 01 của Bộ NN&PTNT. Mà như thế thì người bán và người mua rừng trồng đều ngồi chờ lực lượng kiểm lâm "sắp lịch" kiểm tra. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu trễ thời gian giao hàng 1 giờ là bị đối tác phạt. Do đó, kiểm lâm chỉ xác nhận lần bán đầu tiên từ rừng mà nông dân đã trồng.


Trịnh Phương
 


.