Bệnh sốt xuất huyết bùng phát ở miền núi

03:06, 23/06/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Thông thường, các ổ dịch sốt xuất huyết chỉ xảy ra ở những nơi tập trung đông dân cư như TP.Quảng Ngãi hay các xã ven biển. Nhưng thời gian gần đây, bệnh đang có xu hướng lây lan ở một số huyện miền núi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhiều hộ dân.
Em Nguyễn Thị Mỹ Hà ngụ ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì (Ba Tơ) vừa từ TP.HCM về nghỉ hè thì xuất hiện các triệu chứng như sốt về chiều, đau đầu, choáng váng, mệt mỏi… Được người nhà đến Trạm Y tế xã khám, em Hà được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết và cần theo dõi thêm.
 
Em Hà rất lo lắng vì ở bệnh này lây rất nhanh qua đường muỗi chích nếu không được dập tắt và vệ sinh môi trường. “Em có nghe nói là ở địa phương cũng đang có ổ dịch nhỏ nên sợ bệnh lây cho cả nhà. Mùa nắng nóng cũng là thời điểm bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh”- Hà băn khoăn.
 
Em Hà bị nghi mắc sốt xuất huyết với các triệu chứng sốt về chiều, đau đầu, chóng mặt...
Em Hà bị nghi mắc sốt xuất huyết với các triệu chứng sốt về chiều, đau đầu, chóng mặt...
 
Vừa qua, tại thôn Giá Vực cũng đã phát hiện 2 trường hợp liên tiếp xét nghiệm dương tính với vi rút Dengue- tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Ngay khi phát hiện ổ dịch nhỏ, Trạm Y tế xã Ba Vì đã xin cấp trên cấp hóa chất phun khử trùng trên toàn thôn.
 
Bác sĩ Mai Thị Anh- Trưởng Trạm Y tế xã Ba Vì cho hay: Những ngày qua, Trạm đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, tiến hành diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, không để bệnh xảy ra trên diện rộng. Những năm trước trên địa bàn không phát hiện ca bệnh, nhưng từ đầu năm đến nay thì phát hiện sốt xuất huyết nên người dân lo lắng.
 
Xã Ba Vì hiện có gần 5.000 nhân khẩu với tỷ lệ di dân biến động khá cao. Do đó, nhiều trường hợp bệnh phát hiện tại địa phương là do có yếu tố ngoại lai. Cũng vì di dân nhiều nên các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết hay sốt rét gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, khống chế các ổ dịch.
 
Ngay sau phát hiện ổ dịch, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Ba Vì đã tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng bệnh
Ngay sau phát hiện ổ dịch, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Ba Vì đã tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng bệnh
 
Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện phát hiện trên 40 ca sốt xuất huyết. Đây là con số tương đối lớn đối với một huyện miền núi. Bà Đặng Thị Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ chia sẻ: Lượng dân đông, ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường phòng ngừa dịch cũng chưa cao, còn phụ thuộc ỷ lại vào ngành Y nên chúng tôi gặp khó khăn trong công tác dự phòng, ngừa bệnh lây lan.
 
Cùng với huyện Ba Tơ, các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận số ca sốt xuất huyết ngày càng tăng. Tính đến nay, Quảng Ngãi đã ghi nhận hơn 560 ca, cao gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các ca bệnh được ghi nhận tăng nhiều từ đầu tháng 3 tới nay.
 
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh là do mùa nắng nóng đến sớm. Nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
 
Để chủ động phòng chống bệnh, Ngành Y tế đã cấp phát hóa chất về cho các địa phương để tổ chức phun diệt muỗi chủ động tại các khu dân cư, nơi công cộng, các nơi có chỉ số véc tơ gây bệnh cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống tận các khu dân cư nhằm kịp thời thông tin đầy đủ về bệnh sốt xuất huyết cũng như cách thức phòng, chống bệnh.
 
Bệnh sốt xuất huyết tuy không mới nhưng địa bàn hoạt động ngày càng rộng, thời điểm bùng phát cũng kéo dài liên tục trong 4 mùa chứ không cố định như trước đây. Do vậy, ngoài những nỗ lực của ngành chức năng, thì mỗi người dân cần ý thức cao trong việc phòng bệnh. Trong đó, đầu tiên và đơn giản nhất là làm sạch môi trường sống của mình, loại bỏ môi trường sống của muỗi - loài trung gian truyền bệnh.
 
Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường và quản lý tốt các dụng cụ đựng nước không tạo điều kiện để muỗi có nơi sinh sôi, phát triển
Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường và quản lý tốt các dụng cụ đựng nước không tạo điều kiện để muỗi có nơi sinh sôi, phát triển
 
Bác sĩ Phạm Đức Dũng- Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý: Không có muỗi vằn thì sẽ không có sốt xuất huyết. Nên người dân cần quản lý các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng và sinh trưởng. Hàng tuần phải thường xuyên súc rửa những dụng cụ chứa nước này để loại bỏ bọ gậy, lăng quăng. Đặc biệt phải lưu ý là cọ rửa thành dụng cụ để loại bỏ trứng muỗi, những cống rãnh hố ga thì thả hóa chất để diệt ấu trùng.
 
Tính đến cuối tháng 5.2019, cả nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đáng nói, nhiều chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh gia tăng, đồng nghĩa với khả năng lây lan, bùng phát dịch vẫn lớn.
 
Phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết không chỉ là hoạt động vì bản thân, gia đình mà còn vì cộng đồng. Sự thấu hiểu điều này cũng cần được củng cố đồng thời ở nhiều lực lượng để tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ sức khỏe con người. Nhất là trong điều kiện môi trường sống, các dịch bệnh không ngừng biến đổi phức tạp hơn.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.