Đề phòng bệnh uốn ván sơ sinh

08:02, 10/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh ghi nhận một ca bệnh uốn ván sơ sinh.

Trường hợp mắc bệnh là một bé gái 6 ngày tuổi ở huyện Sơn Hà. Cháu bé được gia đình đưa nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, co giật liên tục, bỏ bú, sốt cao. Các bác sĩ Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi) điều trị tích cực cho cháu bé theo phác đồ với thở máy hỗ trợ hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, kháng sinh, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

 Cháu bé nhiễm uốn ván do sinh đẻ tại nhà đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Cháu bé nhiễm uốn ván do sinh đẻ tại nhà đã qua khỏi cơn nguy kịch.


Chị Đinh Thị Sê, mẹ của cháu bé, cho biết: Bé là con thứ 3 của gia đình. Trước giờ tôi sinh con đều nhờ cậy vào những “bà đỡ” gần nhà. Bé gái sau khi được sinh ra, bà đỡ dùng dao lam không được sát khuẩn để cắt dây rốn. Trong quá trình mang thai, tôi lại không đi khám thai và không tiêm phòng uốn ván. Đây là nguyên nhân khiến bé gái gặp nguy kịch, do nhiễm uốn ván.
 

Để phòng ngừa uốn ván sơ sinh, đối với phụ nữ đang mang thai cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Mũi thứ hai sau mũi thứ nhất một tháng và phải trước khi đẻ ít nhất là 15-30 ngày. Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai, thì nên tiêm phòng uốn ván với SAT 1.500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.
Bác sĩ HỒ MINH NÊN

Theo bác sĩ Phạm Vân Anh- Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi), cắt rốn bằng dao lam, miếng sành thủy tinh, lồ ô, tre nứa có nguy cơ nhiễm uốn ván cao, nếu không được vô trùng. Theo bác sĩ Vân, tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván chỉ ở mức 2%. Trường hợp cháu bé ở Sơn Hà sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe ổn định là hy hữu.  

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây số ca uốn ván sơ sinh trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, nhưng vẫn còn trường hợp tử vong, tập trung ở địa bàn miền núi. Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván và sinh đẻ tại các cơ sở y tế, song hiện có khoảng 15% phụ nữ thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa tiêm phòng uốn ván trong độ tuổi sinh sản. Bên cạnh đó, một số gia đình người dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán sinh đẻ tại nhà trong điều kiện rất dễ bị nhiễm trùng uốn ván.

Theo ông Hồ Minh Nên, uốn ván rốn sơ sinh (dân gian gọi là sài uốn ván) là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể của trẻ qua vết cắt rốn do các dụng cụ đỡ đẻ hoặc tay người hộ sinh không được diệt khuẩn. Thời gian ủ bệnh uốn ván từ 7-10 ngày, có trường hợp kéo dài một tháng. Người bệnh có cơn co cứng cơ, co giật toàn thân từng cơn ngắn, co thắt thanh quản gây nghẹt thở, tử vong rất nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tiêm vắc-xin uốn ván là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Việc tiêm vắc-xin uốn ván miễn phí cho phụ nữ có thai được thực hiện tại các cơ sở y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Các địa phương miền núi cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chủ động tiêm phòng cũng như xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Phụ nữ sinh đẻ cần đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.


Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.