Quảng Ngãi: Sản phụ lo lắng sau hàng loạt tai biến sản khoa

10:11, 28/11/2012
.

(QNĐT)- Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (2011-2012), đã có trên 20 vụ tai biến sản khoa ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi làm 23 trường hợp tử vong, trong đó có trường hợp tử vong sản phụ lẫn sơ sinh. Riêng từ tháng 4 đến nay, tại Khoa sản đã xảy ra 5 vụ tai biến sản khoa, trong đó 2 ca chết cả mẹ lẫn con, 3 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong.

TIN LIÊN QUAN


Việc liên tục xảy ra hàng loạt vụ tai biến sản khoa tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã khiến cho người dân không khỏi lo lắng về chất lượng đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Song điều mà người dân cũng lo và phàn nàn không kém, đó là vấn đề y đức và trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

Dồn dập tai biến sản khoa

Vụ tai biến sản khoa mới nhất xảy ra là trường hợp tử vong của sơ sinh con sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly, ở tổ 17, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi. Sản phụ Ly được người nhà đưa vào Khoa sản- Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng đau bụng, sắp chuyển dạ.

Chị Ly có tiền sử tai biến, đau kéo dài và cổ tử cung mổ, chính vì vậy gia đình đã yêu cầu sinh mổ nhưng các bác sĩ nói để sinh thường, bởi khi nhập viện, sản phụ Ly được chẩn đoán mẹ lẫn thai nhi ổn định. Tuy nhiên đến khi chị Ly vỡ ối, sa dây rốn  thì các bác sĩ mới tiến hành mổ nhưng chỉ cứu được mẹ, còn bé sơ sinh tử vong sau hơn 5 ngày thở máy trong phòng cấp cứu.

 

Vụ tai biến sản khoa
Người nhà của sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly tập trung trước khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sau vụ tai biến của sản phụ Ly.


Trước đó không lâu, ngày 2/11, cũng tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã xảy ra vụ tai biến sản khoa làm hai trẻ song sinh con của sản phụ Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1982) ở thôn Hòa Tân, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn tử vong do hội chứng truyền máu song thai. Sản phụ Nở được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng tức bụng, ra ối vào lúc 14 giờ 30 ngày 1/11.

Cũng giống như bao lần trước, sản phụ sau khi nhập viện đã được kíp trực khoa sản khám khảo sát ban đầu và làm các thủ tục cần thiết, và được kết luận là sức khỏe bình thường, mang song thai, song thai cũng bình thường và chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Đến khi xảy ra tai biến thì bệnh viện lại kết luận rằng, hai bé tử vong do hội chứng truyền máu song thai. Và các y bác sĩ ở đây đã làm đúng quy trình và trách nhiệm...?

Trước đó, ngày 22/6/2012, trẻ sơ sinh con của sản phụ Trần Thị Vân Anh (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) tử vong được chẩn đoán là do suy hô hấp nặng không hồi phục - hít phân su, thai nhi già tháng độ II. Với ca tai biến này, bác sĩ đã khám cho chỉ định siêu âm nhưng lại không thực hiện cho sản phụ, cho chỉ định đo biểu đồ tim thai - cơn gò nhưng không đọc kết quả. Các bác sĩ trực đã không báo cáo diễn biến bệnh cho bác sĩ trưởng ca trực.

Còn đối với trường hợp tử vong cả mẹ và con sản phụ Lê Thị Hương (xã Long Hiệp, huyện Minh Long) vào ngày 20/4/2012 là do bệnh tim hẹp van 2 lá dẫn đến nhồi máu phổi. Tuy nhiên, bác sĩ nhận bệnh và điều trị tại Khoa sản đã không phát hiện và ghi nhận được bệnh lý tim mạch trên sản phụ kể từ khi sản phụ vào viện và theo dõi sau đó.

Do vậy, không tiên lượng chính xác và đưa ra biện pháp can thiệp hiệu quả, dẫn đến tai biến và tử vong của sản phụ. Nữ hộ sinh theo dõi chăm sóc không sâu sát nên không phát hiện kịp thời diễn biến của bệnh để báo bác sĩ, ghi chép dấu hiệu sinh tồn của người bệnh chưa phù hợp với diễn biến lâm sàng của bệnh nhân.

Chỉ 3 ngày sau cái chết thương tâm của sản phụ Hương, thì cũng tại đây đã xảy ra một trường hợp tử vong cả mẹ và con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa vào ngày 24/4/2012 là do vỡ tử cung phức tạp và vỡ bàng quang trong giai đoạn chưa chuyển dạ, sản phụ có vết mổ đẻ cũ, sản giật, rối loạn đông máu. Tai biến này có thể tránh được nếu quá trình theo dõi chặt chẽ, xử trí phù hợp, đúng lúc.

Thiếu trách nhiệm…

Báo cáo của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Quảng Ngãi liên quan đến các trường hợp tai biến sản khoa thời gian qua tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi thừa nhận, các ca tai biến sản khoa xảy ra một phần là do năng lực chuyên môn của một số bác sĩ, nữ hộ sinh tại khoa sản còn hạn chế; bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi, điều trị chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn.

Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế cũng nhận định, tinh thần trách nhiệm của bác sĩ, nữ hộ sinh chưa cao trong quá trình khám bệnh, theo dõi diễn biến, điều trị; thực hiện quy định về giao tiếp, tư vấn, giải thích cho người bệnh, gia đình người bệnh ngay từ khi vào viện cho đến khi người bệnh tử vong chưa rõ ràng, đúng mực.

 

Nỗi đau của gia đình sản phụ Nguyễn Thi Hương sau khi khe hung tin.
Nỗi đau của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Nở khi nghe hung tin hai cháu bé đã tử vong.


Bác sĩ nhận bệnh và điều trị tại Khoa Sản đã không thực hiện tốt quy chế chuyên môn: theo dõi diễn biến bệnh không thường xuyên, thiếu chặt chẽ; xử lý chưa kịp thời, thiếu tích cực. Một lãnh đạo bệnh viện cũng thừa nhận, với trường hợp của sản phụ Lê Thị Hương, nếu bác sĩ xác định sớm chị Hương bị hẹp van tim hai lá, phù phổi cấp, mổ sớm thì có nhiều khả năng cứu sống nạn nhân.

Sau hàng loạt vụ tai biến tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Sở Y tế đã kỷ luật ở mức cách chức đối với một phó trưởng khoa sản và chuyển công tác khác; kỷ luật khiển trách đối với trưởng khoa sản, đồng thời kỷ luật liên tiếp 7 bác sĩ, nữ hộ sinh sai phạm. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã tiến hành điều động một Phó Giám đốc Sở Y tế là ông Nguyễn Xuân Mến về làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Không chỉ vậy, Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cử một đoàn bác sĩ chuyên khoa về Quảng Ngãi để hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho bác sĩ, y tá của khoa sản… Thế nhưng tai biến sản khoa lại vẫn tiếp tục xảy ra, bởi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ ở đây vẫn còn thiếu…


Nói như ông Lê Huy-Chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi, nếu so sánh với các bệnh viện khác trong khu vực thì Khoa Sản ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không phải thiếu trang thiết bị, máy móc, nhân lực... Cái thiếu ở đây chính là tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Chính hai nguyên nhân này đã gây nên bức xúc cho người dân.

Sản phụ “vượt cạn” ra các tỉnh sinh nở

Trước những tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai ở Quảng Ngãi không yên tâm sinh nở tại bệnh viện này mà thuê xe ra Quảng Nam hoặc ra tận Đà Nẵng để sinh nở, dù tốn kém gấp nhiều lần so với ở Quảng Ngãi bởi phải thuê nhà trọ trước cả tuần, rồi những chi phí khác... Điều đáng nói là hầu hết những trường hợp sản phụ ra các tỉnh để sinh nở đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị tai biến sản khoa. Điều này đã tăng thêm phần nghi ngại về chất lượng của đội ngũ y bác sĩ khoa sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Chị Nguyễn Thị Tuyến, quê Tịnh Ấn Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh cho biết, chị vừa sinh được đứa con đầu lòng. Cách đây hơn một tuần, mặc dù gần tới ngày sinh nở nhưng gia đình chị không an tâm để chị vào sinh nở tại bệnh viện Quảng Ngãi, nên đã đưa ra Bệnh viện Quảng Nam. Xa xôi, tốn kém nhưng khi ra đây, được các y bác sĩ thăm khám ân cần, kỹ lưỡng nên rất an tâm… “Giờ thì mẹ tròn con vuông rồi. Nếu bác sĩ của Bệnh viện Quảng Ngãi mình mà ân cần như các bệnh viện khác thì người dân mình khỏe biết chừng nào”- Chị Tuyến nói.

Hiện nay, tại Quảng Ngãi mỗi ngày có 3 chuyến xe khách (loại 24 chỗ) chuyên đón, chở bệnh nhân ra các bệnh viện ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế để khám chữa bệnh. Các xe này đón bệnh nhân tận nhà và khởi hành khá sớm từ 4 giờ sáng (để chở bệnh nhân ra kịp khám đầu giờ), đó là chưa kể hàng chục trường hợp tự đi riêng khác. Trong số hàng trăm người đi khám bệnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi ngày thì có từ 15-20  trường hợp là phụ nữ mang thai ra Bệnh viện Đà Nẵng để sinh con. Theo người nhà các sản phụ thì trung bình mỗi trường hợp đi sinh ở Đà Nẵng vừa tiền xe, ăn uống, viện phí... không dưới 15 triệu đồng. Dù tốn kém, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận.



M.Toàn

 


.