Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

04:10, 10/10/2012
.

(QNĐT)- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền sang cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, ở những nơi đông dân cư, nơi có nước tù đọng nhiều.
 

TIN LIÊN QUAN


*Muỗi tấn cống tứ phía  

Không thể ngồi yên học bài được, em Phạm Hữu Hảo - ở trọ nhà ông Phước thuộc phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi cứ 5 - 10 phút lại xoay nghiêng, ngửa đập muỗi mãi. Mặc dù, ban ngày nhưng em phải làm đủ cách để xua đuổi muỗi: Bật quạt, xông nhang...Thế mà tập trung học một chút là em bị muỗi tấn công cắn no tròn. Chân, tay, xưng tấy. Không chịu nỗi nên em đành bỏ ra ngoài.

 

Nguồn nước ô nhiễm, tù đọng ở hồ Bàu Cả là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi tấn công vào các khu dân cư lân cận.
Nguồn nước ô nhiễm, tù đọng ở hồ Bàu Cả là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi tấn công vào các khu dân cư lân cận.


"Tình trạng này đã kéo dài gần 1 tháng rồi. Em không biết làm sao cho hết muỗi. Em đã dọn vệ sinh quanh nhà, không cho nước tù đọng để diệt bọ gậy, lăng quăng, em cố gắng làm, nhưng những phòng sát bên không dọn vệ sinh nên muỗi sinh sôi" - Hảo mệt mỏi nói.

Đến các dãy nhà trọ phía sau Trường đại học Phạm Văn Đồng, Trường đại học Công nghiệp 4 đều thấy cảnh ẩm thấp. Nước đọng từ các con mương, từ ruộng đồng, bờ chuối, bụi cây rậm rạp là điều kiện cho các loại muỗi sinh sôi. Các sinh viên đều ca thán: "Muỗi tấn công ban đêm còn dễ thở. Ngủ mắc màng là xong. Đằng này cắn ngay ban ngày. Cắn không hay biết... bọn em không ngồi yên học được. Kiểu này dễ mang bệnh như chơi".


Tại tổ dân phố số 4, 5, 7 phường Lê Hồng Phong TP.Quảng Ngãi bà con sinh sống quanh khu vực hồ điều hòa Bàu Cả còn ngao ngán hơn. Anh Dương Mạnh Quỳnh - Tổ trưởng tổ tổ dân phố số 5, cho biết: "Hiện muỗi xuất hiện dày đặc. Ngồi ăn cơm, uống nước, nói chuyện chỗ nào cũng bị muỗi đốt. Những nhà có trẻ nhỏ cứ phải canh chừng mãi. Ban ngày, người lớn, trẻ nhỏ ngủ trưa đều phải móc màng". Làm theo lời tuyên truyền của cán bộ y tế dự phòng, anh Quỳnh cùng bà con dọn vệ sinh nhà cửa, khai thông cống mà vẫn không hạn chế được muỗi.

Đứng bên bờ hồ, chị Nguyễn Thị Ngọc chỉ xuống nguồn nước đen ngòm trong hồ, nói: "Muỗi phát sinh từ hồ này. Giờ trong nhà có sạch sẽ, thì cũng không thể hạn chế được muỗi. Tình cảnh này đã diễn ra từ khi có hồ điều hòa".

Trao đổi với chị Lê Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP. Quảng Ngãi, chị cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có 51 ca mắc bệnh SXH. Riêng trong tháng 9 do thời tiết ẩm ướt, mưa nắng thất thường đã có 10 ca bị mắc bệnh. Tuy số ca mắc bệnh không lớn nhưng thời điểm này mới bắt đầu mùa mưa mà số ca mắc bệnh đã tăng, tình hình diễn biến sắp đến còn phức tạp.

Không chỉ ở khu vực TP. Quảng Ngãi, mà ở các vùng trũng, vùng ven biển như Nghĩa An (Tư Nghĩa), Bình Đông (Bình Sơn) muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cũng xuất hiện khá nhiều. Đến nay, Quảng Ngãi có khoảng 406 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó huyện Bình Sơn có 161 ca, Tư Nghĩa 54 ca; TP. Quảng Ngãi 51 ca và Nghĩa Hành có 15 ca...

* Tập trung diệt bọ gậy lăng quăng

Trước diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, ông Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi, cho biết: Chu kỳ hằng năm của dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 12. Để phòng chống bệnh, Trung tâm đã chỉ đạo cho các trung tâm y tế cơ sở triển khai hai chiến dịch: Tổng vệ sinh môi trường để diệt bọ gậy, lăng quăng (với phương châm không có bọ gậy, lăng quăng là không có muỗi SXH); chủ động phun hóa chất cho 18 xã trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó thực hiện chủ yếu ở 7 huyện đồng bằng và huyện đảo Lý Sơn.

Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với các phương tiện thông tin truyền thông tuyên truyền cho cộng đồng, nâng cao hiểu biết về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Như thường xuyên thay nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước. Thả cá bảy màu, cá lia thia vào dụng cụ đựng nước, hồ để chúng ăn lăng quăng và trứng muỗi.

 

Dọn vệ sinh để diệt bọ gậy, lăng quăng gây muỗi
Dọn vệ sinh để diệt bọ gậy, lăng quăng gây muỗi


Dùng nắp đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày để tránh muỗi đẻ trứng. Các xô, chậu, gáo dừa, vỏ đồ hộp, chai lọ, vỏ xe cũ,.... nên lật úp xuống hoặc thu gọn để tránh không đọng nước. Thường xuyên khai thông cống và cho dầu hoặc muối vào chén kê dưới tủ đựng thức ăn. Sắp xếp gọn gàng những đồ dùng sinh hoạt trong nhà, vệ sinh môi trường xung quanh nhà. Cho trẻ mặc áo, quần dài khi chơi; ngủ màn kể cả ban ngày; dùng hương hoặc bôi kem xua muỗi.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp phòng chống nhằm hạn chế muỗi phát sinh chứ không thể diệt trừ tuyệt đối loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay, là thời điểm môi trường thuận lợi để muỗi vằn (loại muỗi truyền bệnh) sinh sôi. Chúng đốt người vào lúc chập choạng tối và gần sáng và có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết rất cao.

Khi mắc các triệu chứng như sốt cao liên tục, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, nôn hoặc có các biểu hiện xuất huyết tự nhiên như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, xuất huyết tiêu hóa, sốt cao từ 39 - 40oC, đau đầu, đau mình, ăn uống kém, mệt mỏi... Người thân trong gia đình nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.